Hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc trước việc quy hoạch treo của Dự án Cụm trường Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề trên địa bàn phường. Hệ quả là, người dân phải sống trong cảnh lụp xụp, tạm bợ vì nhà cửa không được sửa chữa, xây dựng.
Nơm nớp chuyện an cư
Trong căn nhà tuềnh toàng, bà Đinh Thị Thỏa (65 tuổi, trú tại Khu dân cư Cơ khí số 5, tổ dân phố Nhuệ Giang) cho biết: “Gia đình tôi có 3 thế hệ phải sống trên diện tích hơn 50m2 đất này. Tôi cũng có điều kiện để làm nhà, nhưng chục năm nay nhà cửa hỏng hóc không thể sửa sang vì nằm trong vùng quy hoạch”.
Vì dự án treo người dân không giám xây và sửa chữa.
Theo bà Thỏa, ở khu dân cư Cơ khí số 5 này hiện có hàng chục hộ gia đình có chung hoàn cảnh giống gia đình bà. Phần lớn người trong khu đều về đây sinh sống từ quãng năm 1970 đến năm 1985. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa thể an cư. Bà Nguyễn Thị Hùy (Khu dân cư Cơ khí số 5, tổ dân phố Nhuệ Giang) bức xúc: “Tôi về đây từ năm 1970, đã nhiều lần chứng kiến cảnh nước ngập lên đến lưng nhà. Nhà dột nát mà không thể cơi nới, sửa chữa nên rất khổ sở”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tín, Tổ trưởng Tổ dân phố Nhuệ Giang cho biết: Tổ dân phố có khoảng 370 hộ tương đương 1.500 dân sinh sống trên diện tích quy hoạch cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm từ năm 2004. Sở dĩ gọi là dự án treo bởi suốt từ thời điểm quy hoạch đến nay vẫn chưa được xây dựng gì.
Theo phản ánh của người dân thuộc tổ dân phố Nhuệ Giang, dự án treo cũng đồng nghĩa với việc đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn.
Bất cập dễ thấy nhất là việc “nhiều không” như: không được xây dựng, cơi nới nhà cửa; không được tách thửa; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp ngân hàng; muốn đầu tư làm ăn lâu dài cũng không xong vì không biết cụ thể thời gian giải tỏa… Và cứ thế, những người dân vùng quy hoạch luôn phải sống trong thấp thỏm, lo âu.
Cần sớm điều chỉnh quy hoạch chi tiết
Theo tìm hiểu, năm 2004, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (tỷ lệ 1/2.000) tại xã Tây Mỗ thuộc huyện Từ Liêm cũ, nay là phường Tây Mỗ (Q.Nam Từ Liêm), trong đó có phần đất dành để xây dựng cụm trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề quy mô lớn, hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, công trình công cộng…
Năm 2006, Thành phố tiếp tục ban hành quyết định quy hoạch chi tiết dự án này. Theo Quyết định này, gần 69,2 ha đất ruộng và đất nhà ở của nhân dân sẽ nằm trong dự án.
Trao đổi cụ thể thông tin liên quan, ông Nguyễn Đăng Cường – Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ cho biết: Từ năm 2010 đến năm 2011, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư cuả dự án đã triển khai đền bù, hỗ trợ được 33 hộ dân. Tuy nhiên, cũng từ năm 2011, các hộ dân tại đây không được chủ đầu tư dự án cung cấp bất cứ thông tin chính thức bằng văn bản về dự án. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng im lặng nên người dân mặc nhiên cho đây là một dự án treo.
Đại diện phường Tây Mỗ cũng cho rằng, UBND phường cũng rất chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân sinh sống trên địa bàn đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án của thành phố. Ông Cường cùng lãnh đạo phường cũng đã nhiều lần trực tiếp đến địa bàn, tận mắt chứng kiến cảnh sống tạm bợ của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.
Bởi vậy, không ít lần phường đã kiến nghị lên quận, lên thành phố về vấn đề liên quan. “Qua các việc tiếp xúc cử tri và hội đồng nhân dân các cấp phường đã kiến nghị lên quận đề nghị xem xét xem có tiếp tục triển khai dự án này hay không. Quận cũng đã có ý kiến với thành phố và đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết để làm sao đảm bảo đến an sinh” - ông Nguyễn Đăng Cường cho biết.
Liên quan đến những bất cập cơi nới của hàng chục hộ dân tại Khu dân cư Cơ khí số 5, theo Phó chủ tịch UBND phường Tây Mỗ: Trước đây đất thuộc nhà máy Cơ khí số 5. Nhà máy giao đất cho cán bộ công nhân viên thuộc nhà máy chứ hoàn toàn không bán hay thanh lý nhà. Các hộ dân cũng ở từ năm 1973 đến nay. Đáng ra nhà máy phải phân hoặc bán nhà hoặc có giấy tờ liên quan đến sở hữu nhưng nhà máy lại không triển khai thực hiện.
Theo ông Cường cho biết: “Với trường hợp khu dân cư Cơ khí số 5, họ thuộc diện tích đất nhà máy nhưng lại nằm trong đất dự án nên không có chứng nhận quyền sử dụng đất, không được xây dựng, cơi nới. Đây là bất cập, phường rất chia sẻ song vẫn chưa thể tháo gỡ ngay được. Đúng ra khi cổ phần hóa, đơn vị này phải bàn giao lại cho địa phương nhưng đơn vị này không bàn giao.
Với vấn đề này, UBND phường đã cho họp tổ dân phố và đã triển khai đo đạc kích thước, vừa rồi đã thực hiện việc cấp giấy đăng ký đất đai lần đầu. Chúng tôi cũng đã kiến nghị để khu vực này nằm ngoài quy hoạch để mai này thuận tiện hơn cho việc cấp giấy sử dụng đất. Nhưng điều này phải đi kèm theo điều kiện là nhà máy Cơ khí phải bàn giao lại cho địa phương”.
Trong khi chờ đợi Thành phố điều chỉnh quy hoạch chi tiết liên quan đến dự án, hàng trăm hộ dân sinh sống trong tổ dân phố Nhuệ Giang đều có nguyện vọng, nếu họ bị thu hồi đất, các cơ quan chức năng cần sớm làm thủ tục đền bù và di dời dân. Trong trường hợp không thu hồi đất cũng cần công bố để các hộ dân có quyền sử dụng đất bình thường để “an cư”, ổn định cuộc sống.
Đinh Luyện - Phạm Thảo (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.