24/03/2017 4:42 PM
Những ngày gần đây, lãi suất huy động VND trên thị trường tăng mạnh. Theo nhận định, việc tăng lãi suất này chủ yếu mang tính cục bộ tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài ở mức khá cao. Chẳng hạn, Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 36 tháng thêm 0,1%, lên mức cao nhất 7%/năm.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mức lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng cùng là 8%/năm... Đặc biệt, một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi chứng chỉ kỳ hạn dài ở mức cao là, 8,88%-9,2%/năm.
Lãi suất huy động tăng không phản ánh khó khăn về thanh khoản của hệ thống ngân hàng
Phân tích chuyên đề về thanh khoản ngân hàng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động tăng là do tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động là nhằm cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017.
Dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các ngân hàng lớn.
“Hơn nữa, ngay cả đối với các ngân hàng thuộc top trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu vẫn muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn một trong hai cách: Một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài” - BVSC nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác đến từ xu hướng tăng của lạm phát. Lạm phát tăng khá nhanh ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay mặc dù không chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định điều chỉnh giá hai nhóm hàng y tế và giáo dục như trong năm 2016, nhưng sức ép có thể sẽ lại đến từ nhóm hàng giao thông với xu hướng tăng trở lại của giá xăng dầu (mức tăng của nhóm hàng này lên tới 3,7% riêng trong hai tháng đầu năm).
Bên cạnh đó, áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phần nhiều mang tính tâm lý. Sau quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15-3 vừa qua, dự kiến Fed sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. Nếu trần lãi suất tiền gửi USD trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định.
Mặc dù vậy, những tác động trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này của Fed là không lớn và có xu hướng nhẹ bớt so với lần trước. Sau một nhịp bật tăng, đồng USD đã có diễn biến điều chỉnh so với đa số các đồng tiền chủ chốt khác trong khoảng 2 tuần trở lại đây.
“Sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Tuy vậy, sức ép này sẽ không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của Fed vẫn đúng theo dự kiến, không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư” - BVSC nhận định.
Theo đánh giá của BVSC, những diễn biến tăng đối với mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm ngân hàng nhỏ và phần nhiều do hiệu ứng của Thông tư 06 chứ không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống, hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào.
Liên quan đến việc tăng lãi suất này, một số chuyên gia cho rằng lãi suất huy động tăng nhưng chưa đáng lo ngại bởi lãi suất tăng chủ yếu tập trung ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, không có sự xuất hiện của ngân hàng thương mại quốc doanh-nơi chiếm thị phần lớn trên thị trường.
Hương Thủy (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.