23/03/2017 8:18 AM
Ở nhiều ngân hàng, nhiều khi các khoản nợ xấu lại được “khoác tấm áo mới” là các khoản phải thu hay các khoản lãi, phí phải thu.
Ảnh minh họa.
Mặt bằng lãi suất huy động đang rục rịch tăng trong những ngày gần đây. Trong khi ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động được một số ngân hàng đẩy thêm từ 0,1%-0,2% thì ở các kỳ hạn dài, lãi suất cũng được đẩy lên mức cao kỷ lục, có nơi lên tới 9,2%.
Cụ thể, ngân hàng Sacombank vừa tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm+1 ngày hay ngân hàng LienVietPostBank cũng tính huy động tới 1 nghìn tỷ đồng qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng tiền VND trên toàn hệ thống với lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm.
Mới đây nhất, ngân hàng VPBank công bố mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ đối với số tiền từ 5 tỷ, kỳ hạn 5 năm lên tới 9,2%/năm. Các mức lãi suất khác cũng dao động từ 7,5% đến 9,1%, tuỳ vào số tiền và kỳ hạn, cao hơn rất nhiều so với mức chỉ từ 7,5% - 7,9% áp dụng trước đó.
Áp lực thanh khoản
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20/02/2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 1,23% so với cuối năm ngoái, gần gấp đôi so với mức tăng 0,65% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 1,87% trong khi tăng trưởng huy động là 1,03%. Theo ước tính, chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền M2 và cầu tín dụng tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2017 vào khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tượng dư thừa thanh khoản không diễn ra đối với tất cả các ngân hàng. Theo ước tính của các chuyên gia tại công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), phần chênh 65.000 tỷ đồng giữa M2 và tín dụng, nếu trừ khi phần hút ròng của kênh trái phiếu từ đầu năm thì còn khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.
Đây có thể được coi là con số phản ánh thanh khoản của hệ thống và phần này trên thực tế, chủ yếu nằm tại các ngân hàng thương mại có quy mô lớn, thuộc tốp đầu. Trong khi đó, sự khó khăn về thanh khoản lại thường xảy ra với nhóm ngân hàng thuộc tốp sau với quy mô vừa và nhỏ.
Việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đối với nhóm ngân hàng này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Điều này giải thích tại sao mặc dù thanh khoản toàn hệ thống vẫn đang khá dồi dào nhưng lãi suất liên ngân hàng lại có diễn biến tăng trong thời gian gần đây.
Do tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng có sự phân hóa, nên mặt bằng lãi suất huy động đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ.
Cơ cấu lại nguồn vốn, áp lực từ chất lượng tài sản
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV cho rằng, lãi suất huy động chủ yếu tăng ở kỳ hạn dài, 3 năm, 5 năm, 7 năm. Mục tiêu cơ bản của các ngân hàng là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn của họ, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, để một mặt phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn cũng như đáp ứng Thông tư 06.
Theo Thông tư này, trong năm nay, các ngân hàng chỉ được dùng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, và sang năm tới, con số này thậm chí sẽ giảm xuống còn 40%.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài, giúp cân đối nguồn vốn trung và dài hạn của các nhà băng là điều hợp lý.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc tăng lãi suất cũng có thể còn được bắt nguồn gián tiếp từ chất lượng tài sản của nhà băng.
“Đáng lý sau một thời gian cho vay, dòng tiền sẽ quay trở về ngân hàng và ngân hàng lại quay vòng cũng như trả lại cho khách hàng đã gửi tiền. Tuy nhiên, nếu khoản vay đó trở thành nợ xấu, thì ngân hàng lại phải huy động tiền mới để trả cho khách hàng, đó chính là hậu quả của chất lượng tín dụng kém”, TS. Hiếu nói.
Chuyên gia cũng lưu ý, trong mục tài sản khác trên bảng cân đối kế toán, rất nhiều ngân hàng có khoản phải thu lớn. Thực chất, ngân hàng nào có khoản phải thu lớn thì cần có sự nghiên cứu, quan tâm đặc biệt, bởi đó có thể là khoản nợ xấu được “khoác tấm áo mới” là các khoản phải thu hay các khoản lãi, phí phải thu.
Về hướng đi của lãi suất cho vay, TS. Hiếu cho rằng, việc lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lãi suất đầu ra trong thời gian tới.
“Tôi nghĩ năm nay lãi suất cho vay rất khó có thể giảm, thậm chí khả năng lãi suất tăng nhiều hơn là khả năng được duy trì ở mức hiện tại”, chuyên gia nhận định.
Theo đó, TS. Hiếu cho rằng, việc có thể đạt được cả hai mục tiêu lạm phát kiểm soát dưới 4% và GDP 6,7% là bất khả thi.
“Có lẽ chính phủ phải chọn ưu tiên một trong hai mục tiêu đó, hoặc là giữ ổn định tiền đồng thì lãi suất phải tăng để siết chặt tiền tệ nhưng lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Ngược lại, nếu ưu tiên phát triển kinh tế thì cần đẩy một lượng tiền vào lưu thông, đẩy tín dụng ra ngoài bằng cách hạ lãi suất”.
Trần Thúy (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.