11/06/2020 7:50 AM
Đang công tác ở một trường học tại Quảng Bình, anh Nguyễn Ngọc Mến đành phải viết đơn xin nghỉ việc không lương để đi đòi lại nhà và đất của mình đã bị lực lượng giải phóng mặt bằng lấy “trắng” cho một dự án du lịch.

Anh Mến phải xin nghỉ việc để đi đòi lại nhà ở. Ảnh: Trương Quang Nam.

Nhiều mờ ám

Theo đơn cầu cứu anh Mến (ngụ xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) gửi ngày 1.6 và qua xác minh của PV Thanh Niên, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) bắt đầu từ tháng 3.2018 để thực hiện dự án nghỉ dưỡng suối Bang do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư; Trung tâm phát triển quỹ đất H.Lệ Thủy được chủ đầu tư ủy quyền thực hiện GPMB. Anh Mến là người duy nhất sở hữu tài sản nhà và đất với diện tích 1.044 m2 nhưng không hề được thông báo gì.

Quá trình thỏa thuận và giao nhận tiền, anh Mến cũng không hay biết; tổ GPMB âm thầm làm việc với bà Lê Thị Mính (mẹ của anh Mến đang coi giữ nhà).

Tổ GPMB và UBND xã Kim Thủy còn cố tình gian dối, hợp thức hóa các giấy tờ liên quan, gồm giấy nhận tiền đền bù (hơn 594 triệu đồng) và biên bản bàn giao mặt bằng ngày 28.5.2018.

Trong các giấy đều in sẵn tên Nguyễn Ngọc Mến, nhưng người thực hiện giao dịch và thực nhận là bà Mính; khi bà ký nhận thì bị yêu cầu ký và ghi rõ họ tên là “Nguyễn Ngọc Mến” chứ không phải tên bà. Các giấy đều được ông Hồ Văn Xoan, Phó chủ tịch UBND xã Kim Thủy ký, đóng dấu xác nhận.

Nghiêm trọng hơn, UBND xã Kim Thủy chứng thực khống 1 hợp đồng anh Mến chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho chủ đầu tư dự án. Hợp đồng sai pháp lý. Và bà Mính lại được yêu cầu ký, ghi họ tên anh Mến vào hợp đồng; ông Xoan tiếp tục ký đóng dấu chứng thực hợp đồng.

Anh Mến khẳng định: “Đến thời điểm này, tôi chưa hề ký vào bất cứ giấy tờ gì liên quan thỏa thuận GPMB. Họ làm sau lưng tôi nên dùng thông tin chứng minh nhân dân hết hạn của tôi và đã bị mất để làm thủ tục giao dịch. Họ đền giá rẻ mạt vậy thì tôi lấy đất, nhà đâu để ở?”.

Theo anh Mến, Trung tâm phát triển quỹ đất H.Lệ Thủy cũng lập hồ sơ đền bù đất rừng bị sai. Bà Mính thì ghi là Mín. Khi đo thực địa và đếm cây đều không có mặt bà Mính; bà cũng không ký hồ sơ thực địa và đo đếm cây trong các biên bản. Việc này dẫn đến bà Mính nhầm lẫn vị trí đền bù và chừa lại một diện tích rừng không thể sản xuất vì không có đường vào.

Đùn đẩy trách nhiệm

Khi biết có sự việc “động trời” đó, anh Mến ngược xuôi gõ cửa nhiều nơi, trong đó có Trung tâm phát triển quỹ đất H.Lệ Thủy, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Là đơn vị được chủ đầu tư hợp đồng, ủy quyền thay mặt công ty thực hiện GPMB, nhưng đến nay trung tâm này vẫn thoái thác trách nhiệm.

Tại buổi làm việc với các bên liên quan vào ngày 8.5, anh Mến tiếp tục nêu những sai trái của việc lập hồ sơ thỏa thuận đền bù GPMB, đồng ý thỏa thuận lại với số tiền 5 tỉ đồng và phải giải quyết trước ngày 15.5 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Làm việc với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Tân, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất H.Lệ Thủy, lý giải rằng: Việc không “chính chủ” như trên là chưa phù hợp chứ không sai, vì bà Mính là thành viên trong gia đình. Trong khi đó, đối chất với PV việc chứng thực “khống” hợp đồng chuyển nhượng, Phó chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Xoan trả lời loanh quanh: “Có một tí lỗi trong này, có nhầm lẫn tí, có sơ suất tí”. Còn ông Ngô Mậu Hiệu, cán bộ tư pháp xã Kim Thủy, thừa nhận: “Đúng là có chủ quan vì họ đã thỏa thuận đền bù với nhau, có giấy nhận tiền. Về nguyên tắc là không được làm (chứng thực - PV) như thế”.

Về hướng giải quyết sai phạm, các cán bộ UBND xã Kim Thủy cho hay đang đợi hai bên thỏa thuận lại, nếu không thỏa thuận được sẽ phải thông báo hủy hợp đồng; đồng thời chấp nhận các hình thức xử lý kỷ luật theo quy định.

Trương Quang Nam (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.