Năm 2012 ngành Xây dựng tiếp tục đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư tiếp tục giảm mạnh, thị trường trong nước và xuất khẩu thu hẹp, lượng hàng tồn kho cao, nợ đọng trong xây dựng cơ bản tăng, thị trường bất động sản bất động sản (BĐS) chưa có khả năng phục hồi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc ngày 11/1, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2012, ngành đã tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho BĐS, bắt bệnh để đưa ra các giải pháp chữa bệnh cho BĐS, trong đó tư tưởng chủ đạo là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình, nhất là đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình quy mô lớn chuyển từ “hậu kiểm” sang “tiền kiểm” ngay từ khâu thiết kế, nhằm hạn chế các vi phạm dẫn đến lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng đến chất lượng công trình; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng, đặc biệt là chủ đầu tư dự án sử dụng vốn NSNN…
Dự kiến trong năm 2013, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể các vấn đề trong quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm từng bước lập lại trật tự phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, có lộ trình 5 năm, 10 năm, khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay… Nghị định cũng đề xuất mô hình khoa học về quản lý khu vực phát triển đô thị, có Ban quản lý phát triển đô thị để xây dựng và kiểm soát kế hoạch phát triển đô thị, đảm bảo sự kết nối hạ tầng khung. Cho phép UBND các tỉnh được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất khi có hạ tầng….
Nhấn mạnh vai trò, những đóng góp của các hiệp hội đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển chung của Ngành, Bộ trưởng khẳng định: Bộ rất cần sự vào cuộc tích cực của các Hội nghề nghiệp, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đề xuất, phản biện, kể cả những ý kiến trái chiều để cùng thảo luận, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, quá trình xây dựng luật pháp cần tiếp tục mở rộng, huy động sự tham gia ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học. Ông Nguyễn Tấn Vạn cũng kiến nghị một số vấn đề về xây dựng Luật Kiến trúc, quản lý hành nghề kiến trúc sư, thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, điều chỉnh chi phí tư vấn thiết kế kiến trúc…
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam mong muốn định kỳ Bộ có các buổi làm việc với các hội nghệ nghiệp, hoặc các cuộc họp phổ biến về các chủ trương chính sách mới của Bộ Xây dựng; Giao Hiệp hội BĐS VN một số đề tài nghiên cứu cũng như các khóa đào tạo phát triển nhân lực dựa trên thế mạnh của Hiệp hội; phối hợp Hiệp hội trong việc triển khai Đề án xây dựng chỉ số thị trường BĐS…
Hội Quy hoạch phát triển các đô thị VN cũng đề xuất Bộ Xây dựng cần đề xuất Quốc hội về việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành Luật đô thị, trong đó tùy chức năng chuyên ngành của mỗi Bộ mà chịu trách nhiệm soạn thảo về lĩnh vực của mình, tránh tình trạng khi áp dụng Luật không đúng chức năng soạn thảo nên không sâu, không thực tế, khó khả thi…
Một số giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Ngành cũng đã được các đại biểu nêu và mong muốn Bộ Xây dựng sớm có giải pháp kịp thời, phù hợp với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực của ngành.
Năm 2012, giá trị sản xuất xây dựng của cả nước ước đạt 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với 2011, trong đó khu vực nhà nước đạt khoảng 112.918 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 583.136 tỷ đồng, khu vực vốn nước ngoài đạt 24.116 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2012 ước đạt 179.301 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2011, tương đương 6,1% GDP cả nước… |