Tỷ lệ giải ngân đầu tư công tại 5 tỉnh thuộc Tổ công tác số 6 mới đạt 19% kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công mới khôi phục tăng trưởng kinh tế hiệu quả. Ảnh: VGP

Ngày 18/5, Tổ công tác số 6 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã có buổi làm việc trực tuyến với 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 5 tỉnh với tổng số vốn là hơn 26.000 tỷ đồng. Theo báo cáo, đến ngày 04/5/2022, các địa phương mới giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đánh giá về tình hình giải ngân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn cho rằng, tiến độ quá chậm so với yêu cầu, mục tiêu của lãnh đạo Chính phủ giao từ đầu năm. Đó là chưa cộng đến các chỉ tiêu khác như nguồn thu vượt ngân sách, chương trình kích cầu, chương trình mục tiêu quốc gia, thì tỉ lệ tương đối số giải ngân còn thấp hơn.

Về bối cảnh hiện nay, lạm phát thế giới tăng, giá cả trong nước tăng, tăng giá xăng dầu, thép, vật liệu xây dựng, nhân công… cần có giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) đang thắt chặt, DN sẽ gặp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn. Lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chứng trường hợp có nhà thầu hoạt động cầm chừng vì giá lên, nhưng thực tế làm càng chậm, chi phí càng tăng, thì càng lỗ. Thậm chí dẫn tới hệ lụy DN gặp khó khăn, mất năng lực tài chính. Điều này dẫn tới rủi ro mới về thu hồi vốn vì số tiền Nhà nước ứng cho DN lại không thu hồi được. Do đó, các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, động viên các DN thi công nhanh. Cần tập trung tháo gỡ cho DN để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhanh chóng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, chống lạm phát, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương phải phân công rõ, cử lãnh đạo tỉnh (ví dụ cấp phó) đôn đốc các sở, ngành thường xuyên giải quyết vướng mắc nhanh ngay tại hiện trường. Không để tồn tại tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

Về GPMB chậm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đây là điểm nghẽn kéo dài, do nhiều nguyên nhân như nguồn gốc đất, xung đột về giá đền bù. Các nội dung về hệ số đền bù trong thẩm quyền UBND tỉnh cần áp dụng theo luật, cũng như thỏa thuận (tuỳ theo tính chất dự án) để tháo gỡ khó khăn.

Riêng về hoạt động thanh toán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định đã chỉ đạo sát sao, ngay khi có khối lượng tập trung nghiệm thu, đủ hồ sơ gửi kho bạc thanh toán kịp thời trong ngày làm việc hoặc không quá 3 ngày.

"Khi không có cầu kéo, khó khôi phục nền kinh tế. Do đó, yêu cầu đặt ra phải tăng cường giải ngân đầu tư công, càng giải ngân đầu tư công càng phục hồi kinh tế nhanh, tăng thu ngân sách, cần coi đây là nhiệm vụ trọng yếu tập trung thực hiện", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.