05/01/2019 10:45 AM
CafeLand - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có giải trình chi tiết đối với các ý kiến đóng góp xung quanh “Báo cáo nghiên cứu phân vùng giai đoạn 2021-2030”.

Trong “Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như trước đây.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ nguyên các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Bộ tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị làm vùng Bắc Trung Bộ; Nhập Thừa Thiên Huế vào các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ hiện hữu, gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) hợp thành vùng Nam Trung Bộ.

Tỉnh Lâm Đồng (hiện của Tây Nguyên) được hợp nhất với tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận (hiện của Duyên hải Nam Trung Bộ) cùng nhập vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay.

Bộ khẳng định phân vùng quy hoạch dựa trên các căn cứ khoa học tương thích với các yêu cầu, điều kiện, bối cảnh phát triển mới. Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ KH-ĐT, phương án phân vùng như trên vừa có tính kế thừa, vừa mang tính đổi mới, đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài; đồng thời tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế.

Bộ này cũng cho rằng, phân vùng quy hoạch là nội dung quan trọng để xác lập các nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng. Các quy hoạch hiện nay chỉ còn hiệu lực đến năm 2020 và phương án phân vùng hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế trước bối cảnh mới.

Các nguyên tắc “có điều kiện tương đồng về kinh tế” và “khả năng liên kết giữa các địa phương, giữa các địa phương với các trung tâm và sự phát triển hạ tầng kết nối các địa phương trong vùng” là nguyên tắc ưu tiên số 1 và số 2.

Bộ khẳng định phân vùng quy hoạch dựa trên các căn cứ khoa học tương thích với các yêu cầu, điều kiện, bối cảnh phát triển mới, trong đó có đảm bảo an ninh quốc phòng… “Bộ đã đưa ra 7 cơ sở phân vùng, trong đó đã lồng ghép tiêu chí về quốc phòng an ninh mà không đưa thành tiêu chí riêng”, báo cáo giải trình cho biết.

Trước ý kiến Bộ cần bổ sung các minh chứng, căn cứ lí luận và thực tiễn đối với nội dung phân tích lãnh thổ theo điều kiện tương đồng về xã hội, lịch sử, văn hóa; cần xem xét cả tính tương đồng về tập quán, tính cách con người từng vùng… Bộ KH-ĐT nhấn mạnh trong báo cáo phân vùng, Bộ đã tính đến sự tương đồng về phong tục tập quán, tuy nhiên đây chưa phải là tiêu chí quan trọng nhất.

Bộ này cho hay, phương án phân vùng mới chú trọng đến không gian phát triển mới, phù hợp với quá trình chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng việc tạo ra cơ sở để giải quyết những vấn đề có tính tổng thể, hệ thống trên không gian toàn vùng, tăng cường liên kết nội vùng bên cạnh việc tăng cường liên kết vùng và quốc tế.

Bộ này cũng cho biết đã đưa kinh nghiệm phân vùng của một số nước như Nhật, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc để đưa ra bài học cho Việt Nam.

Đối với ý kiến cho rằng nên đưa Thừa Thiên Huế về Bắc Trung Bộ để khắc phục tình trạng vùng Nam Trung Bộ có quy mô quá lớn hay giữ nguyên Lâm Đồng thuộc tiểu vùng Tây Nguyên… Bộ này cho rằng phương án phân vùng do Bộ thiết kế dựa trên 7 tiêu chí khác nhau, không đặt nặng tiêu chí có sự tương đồng điều kiện tự nhiên mà được căn cứ vào các tiêu chí phân vùng, sử dụng phương pháp chồng lớp bản đồ để lựa chọn phương án phân vùng tối ưu.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về phương án phân vùng theo đề xuất của Bộ cũng như cho ý kiến chỉ đạo về thẩm quyền quyết định phân vùng triển khai thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn 2021- 2030.

Hiện, Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời chính thức đối với đề xuất này của Bộ KH-ĐT.

  • Tổng cục Thống kê: Tín dụng tăng trưởng thấp, chỉ 13,3%

    Tổng cục Thống kê: Tín dụng tăng trưởng thấp, chỉ 13,3%

    CafeLand - Trong số liệu kinh tế - xã hội công bố mới đây, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính tới thời điểm 20/12/2018 tăng trưởng tín dụng đạt 13,3%. Con số này thấp rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng nhiều năm trở lại đây.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.