Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng cầu Mã Đà giữa Bình Phước với Đồng Nai nhằm kết nối giao thông, phát triển kinh tế xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ đang nghiên cứu các phương án hướng tuyến nhằm tránh khu dự trữ sinh quyển ở Đồng Nai đã được thế giới công nhận.

Bộ GTVT vừa có phần trả lời ý kiến cử tri Bình Phước liên quan đến đề xuất xây dựng dự án cầu Mã Đà nhằm kết nối giao thông để phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ.

Theo Bộ GTVT, Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, có tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ nhưng còn khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối với khu vực Đông Nam Bộ.

Không làm đường kết nối Bình Phước - Đồng Nai xuyên qua khu dự trữ sinh quyển

Hiện nay, giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai là khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận (chiều dài ranh giới hai tỉnh khoảng 160 km), chưa có tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa 2 tỉnh nên việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai là cần thiết.

Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã trình Thủ tướng phương án hướng tuyến kết nối nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đầu tư nhưng vẫn bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, đa dạng sinh học…. khi Thủ tướng có chỉ đạo sẽ triển khai, phối hợp với các địa phương cùng thực hiện.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ GTVT kiến nghị không xây cầu Mà Đà, làm đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai để tránh ảnh hưởng tới khu sinh quyển.

Đồng thời, phương án đề xuất đầu tư hướng tuyến đi qua khu sinh quyển được đưa ra trước đó có nhiều điểm chưa phù hợp.

Thứ nhất là do chi phí đầu tư xây dựng quá lớn. Theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến khoảng 18.100 tỉ đồng vì phải xây dựng mới khoảng 31km cầu cạn; nâng cấp khoảng 43km đường hiện hữu; xây dựng cầu Mã Đà và cầu vượt hồ Trị An; xây dựng 62km hàng rào và tường chống ồn.

Thứ hai dự án vấp phải nhiều ý kiến phản đối khi đi qua khu dự trữ sinh quyển đã được thế giới công nhận. UBND tỉnh Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế đã nhiều lần kiến nghị không làm được xuyên qua khu sinh quyển, tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu bảo tồn.

Cơn sốt đất ảo từng xuất hiện ngay khi có thông tin đề xuất xây dựng dự án cầu Mã Đà

Để kết nối Bình Phước và Đồng Nai, Bộ GTVT đề xuất phương án đi theo tuyến Vành đai 4. Theo đó, điểm đầu tuyến tại ĐT.741 thành phố Đồng Xoài đi theo ĐT.753, kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú-Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, kết nối về đường Vành đai 4-thành phố Hồ Chí Minh, tổng chiều dài khoảng 71km, tổng kinh phí đầu tư bổ sung thêm khoảng 530 tỉ đồng.

Phương án này giúp việc kết nối từ TX.Đồng Xoài đến đường vành đai 4 thuận tiện, chiều dài tuyến ngắn. Về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4. Đồng thời, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên về cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, hướng tuyến này cũng tận dụng được các tuyến đường tỉnh 753, 746 và đường huyện 416 đã được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, các tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương; Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hiện cũng đang được đầu tư xây dựng.

Từ tháng 3/2022, sau khi có thông tin đề xuất xây dựng dự án cầu Mã Đà và đường kết nối giữa Bình Phước và Đồng Nai xuất hiện đã thổi bùng cơn sốt đất dọc các khu vực được cho là dự án sẽ đi qua.

Theo lý giải của “cò đất” thời điểm đó, khi dự án này được xây dựng sẽ rút ngắn khoảng thời gian di chuyển từ Bình Phước về sân bay Long Thành chỉ còn khoảng 60 phút. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền địa phương vào cuộc, công khai thông tin khiến cơn sốt đất hạ nhiệt.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.