22/09/2023 11:01 AM
UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo kết quả rà soát các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận đã thu hút được 1.628 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư được huy động từ nguồn lực xã hội hơn 1.767 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút, hỗ trợ đầu tư dự án ngoài ngân sách còn một số hạn chế nhất định. Nhiều nhà đầu tư có dự án chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng… và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo số liệu do Cục Thuế tỉnh cung cấp, tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh có 197 nhà đầu tư có dự án còn đang nợ tiền sử dụng đất với số tiền hơn 163 tỷ đồng. Một số dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng tiến độ thực hiện chậm, hoạt động không hiệu quả, dừng sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Theo thống kê, tính đến ngày 14/9, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 1.234 dự án đã triển khai đưa vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 75,8%; 198 dự án đang triển khai xây dựng, chiếm tỷ lệ 12,16%; 196 dự án chưa triển khai, chiếm tỷ lệ 12,04%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho rằng, nguyên nhân khiến dự án đầu tư không thực hiện hoặc chậm thực hiện theo tiến độ đầu tư chủ yếu do các vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các vướng mắc do thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật; về kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch lâm nghiệp; về công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; các vướng mắc về quy hoạch khai thác và dự trữ khoáng sản (titan) quốc gia;... cũng là những nguyên nhân khách quan dẫn đến dự án không thực hiện hoặc chậm thực hiện.

Về chủ quan, nhiều nhà đầu tư chưa tích cực triển khai dự án, thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính không đảm bảo, một số dự án triển khai xây dựng cầm chừng, có hiện tượng trông chờ các dự án xung quanh triển khai xây dựng hoặc có trường hợp cố tình kéo dài thời gian thực hiện để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác,…

Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành phối hợp các địa phương rà soát tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc của các dự án để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ, đảm bảo cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, nhằm đẩy mạnh hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.628 dự án đầu tư còn hiệu lực, tuy nhiên tỷ lệ dự án đang triển khai xây dựng và chưa triển khai còn cao.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan, thì trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành, địa phương là rất lớn. Cùng với đó là công tác kiểm tra xử lý các dự án vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm…

Từ thực tiễn nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, phân loại các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng.

Đối với những dự án chậm tiến độ có lý do khách quan, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Đối với các trường hợp đủ điều kiện thu hồi, chấm dứt hoạt động thì kiên quyết đề xuất chấm dứt hoạt động dự án theo quy định,…

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.