Phản ánh đến Đường dây nóng của Báo Pháp Luật Việt Nam, nhiều độc giả bức xúc cho rằng có một thế lực đã “chống lưng” cho Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn chiếm đất, san ủi cây trồng của người dân tại phường Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) để doanh nghiệp này khai thác khoáng sản.
Hiện trường công trình khai thác Titan

Bình Thuận là một trong số tỉnh có trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là loại khoáng sản Titan (cát đen), có giá trị thương mại và công nghiệp rất cao… Ngày 04/7/2014, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 2277/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và cho Cty Đầu tư Sài Gòn thuê 126,24ha để thực hiện dự án khai thác sa khoáng Titan tại khu vực Long Sơn - Suối Nước cách TP Phan Thiết 25km thuộc phường Mũi Né, thời hạn đến 28/03/2022 (theo Giấy phép 402/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, hệ lụy của việc khai thác tài nguyên khoáng sản Titan của công ty này là không quan tâm đến việc khắc phục về môi trường cũng như việc giải quyết đền bù thiệt hại về diện tích đất và cây trồng cho người dân tại địa phương.

Theo đơn của ông Huỳnh Văn Thành, khu phố 5, phường Mũi Né, TP Phan Thiết gửi cơ quan chức năng và báo chí, năm 2006, ông đã sang nhượng lại một thửa đất 4,1ha của ông Nguyễn Văn Tiến tại khu phố Long Sơn – Suối Nước để trồng cây keo lá tràm. Đến năm 2011, UBND phường Mũi Né mời ông đến kê khai đất đai, cây trồng trên đất để Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn giải quyết bồi thường thực hiện dự án khai thác sa khoáng Titan – Zircon.

Đến năm 2014, diện tích đất và cây trồng trên đất của ông vẫn chưa được bồi thường thiệt hại, nhưng Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn vẫn tiến hành sang ủi khai thác khoáng sản. Nhiều lần ông đến hiện trường đề nghị ngưng việc san ủi đất của ông để thực hiện bồi thường, hỗ trợ nhưng lãnh đạo Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn vẫn xem như không có gì xảy ra?

Sau khi nhận đơn, ngày 13/11/2014, UBND phường Mũi Né đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa, xác định thửa đất của ông Thành đã nằm trong khu vực dự án. Mặc dù có ông Bùi Xuân Hiển là người được lãnh đạo Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn giao nhiệm vụ theo đoàn, nhưng không được ủy quyền để giải quyết vụ việc.

Ông Thành trình bày, thời điểm ông sang nhượng thửa đất của ông Tiến đã có hàng nghìn cây keo lá tràm được trồng trên đất với chiều cao từ 4 đến 5 mét, nhưng đã bị Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn chặt phá, san ủi trống trơn để đào hố khai thác khoáng sản Titan. Vì quá bức xúc, ông Thành đã nhờ anh em, họ hàng kéo ra ngăn cản, đồng thời thuê máy cày san ủi phần diện tích đất còn lại để làm ranh cắm cọc giữ đất…

Trao đổi với lãnh đạo UBND phường Mũi Né được biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, UBND phường cũng đã nhiều lần gửi giấy mời lãnh đạo Cty Đầu tư Sài Gòn đến để họp giải quyết khiếu nại của ông Thành nhưng đều vắng mặt không có lý do?! Do đó, UBND phường Mũi Né đã làm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP Phan Thiết về biện pháp để Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Thành…

Theo đó, Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn đã cử đại diện đứng ra thương lượng, thỏa thuận bồi thường thiệt hại về đất, cây trồng cho các hộ dân có đất nằm trong khu vực dự án, trong đó có hộ ông Thành. Tuy nhiên, ông Thành không chấp thuận với mức giá bồi thường đưa ra, nhưng Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn vẫn ngang nhiên san ủi, chặt phá cây trồng để đào hố khai thác Titan trên diện tích đất của ông Thành. Phải chăng Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn có thế lực “chống lưng” nên mới xem thường người dân và chính quyền địa phương?

Thiết nghĩ, các cơ quan, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cần sớm có giải pháp xử lý vụ việc để đem lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân, kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản Titan của Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn có đảm bào về môi trường, cũng như thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Hà Thu (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.