29/06/2020 8:25 AM
Công trình khủng đã mọc lên ven sông Sài Gòn, đoạn qua xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương bất chấp quy định về hành lang an toàn sông suối, đê kè, đã được ghi rõ trong sổ đỏ. Lạ lùng hơn, đến nay, công trình này vẫn chưa bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xử lý thích đáng để bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp.

Công trình khủng mọc lên ven sông Sài Gòn.

Công trình khủng mọc lên ven sông Sài Gòn.

Lạ lùng công trình "tạm"

Trong phần diện tích 10.690m2 ở xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương được bà Hoa và ông Phương mua lại, hiện có 8 công trình xây dựng. Bà Phạm Mai Hoa đứng tên sổ đỏ khu đất 9.000m2, có 3 công trình xây dựng lớn, trong đó, có công trình kiên cố một trệt một lầu.

Theo quy định, đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thì không được phép xây dựng công trình kiên cố kiểu như công trình hiện nay của bà Hoa.

Tổ hợp 8 công trình xây dựng ven sông Sài Gòn.

Tổ hợp 8 công trình xây dựng ven sông Sài Gòn.

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, trước thời điểm ngày 10/3/2017, cả 3 công trình trên đất hiện nay đều đã được xây dựng. Nhắc tới thời điểm ngày 10/3/2017 là bởi, đây là thời điểm mà bà Hoa được cập nhật sổ đỏ việc chuyển đổi mục đích sử dụng 300m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn. Khu đất hiện nay không chỉ có công trình xây dựng kiên cố, mà còn được kè bờ bao ven sông Sài Gòn rất vững chắc, thậm chí còn có cả cầu tàu.

Lý giải cho việc tồn tại bất thường của ít nhất 3 công trình xây dựng trên đất nhà bà Phạm Mai Hoa, mới đây, thị xã Bến Cát đã chính thức đăng đàn phát biểu trên Báo Bình Dương ngày 3/6/2020. Trong bài "Xung quanh thông tin về các công trình xây dựng trái phép dọc sông Sài Gòn, sông Thị Tính: Thực hư ra sao?", chính quyền Bến Cát khẳng định công trình trên đất bà Hoa là công trình tạm: "một số công trình tạm để phục vụ sản xuất nông nghiệp, không có công trình xây dựng nhằm mục đích kinh doanh và chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng đúng theo quy định".

3 công trình xây dựng "tạm" trên đất của bà Hoa.

3 công trình xây dựng "tạm" trên đất của bà Hoa.

Theo khẳng định trên của chính quyền Bến Cát, "công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp" của bà Hoa sẽ phải nằm trong "Đất phi nông nghiệp khác" căn cứ tại điểm k, khoản 2, điều 10, Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, trong sổ đỏ của bà Hoa cấp năm 2016, ghi rõ 9.000m2 đất mà bà đứng tên thuộc Đất trồng cây lâu năm. Như vậy, nếu bà Hoa muốn làm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như: nhà nghỉ, lán trại cho người lao động, nhà kho để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ... thì bà Hoa phải xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Ảnh chụp vệ tinh chiều rộng thực tế khu đất "dài" hơn dữ liệu sổ đỏ 4m về phía bờ sông.

Ảnh chụp vệ tinh chiều rộng thực tế khu đất "dài" hơn dữ liệu sổ đỏ 4m về phía bờ sông.

Tuy nhiên, nếu bà Hoa có xin chuyển mục đích phần đất xây dựng những công trình này sang đất phi nông nghiệp, thì những "công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp" của bà Hoa cũng không nằm trong phần được miễn giấy phép xây dựng (điều 89, Luật Xây dựng 2014).

Ngoài ra, theo điểm c, khoản 2, điều 89, Luật Xây dựng 2014 ghi rõ "công trình tạm" để được miễn giấy phép xây dựng là: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính. Do vậy, nếu muốn xây dựng "công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp", theo quy định hiện nay, bà Hoa phải làm thủ tục để xin phép xây dựng sau khi đã chuyển mục đích đất sang "phi nông nghiệp".

Tuy nhiên, việc này đã không xảy ra, bởi hình ảnh vệ tinh lưu giữ, những công trình bà Hoa đã xây dựng trước cả thời điểm bà được chuyển mục đích 300m2 từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở.

Không đảm bảo hành lang an toàn sông

Trong phần diện tích 9.000m2 đất trồng cây lâu năm ở xã Phú An, thị xã Bến Cát do bà Phạm Mai Hoa đứng tên sổ đỏ, ghi rõ: 2.250m2 đất trồng cây lâu năm thuộc hành lang an toàn công trình sông Sài Gòn và 441m2 đất trồng cây lâu năm thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình đê bao. Trong sổ còn ghi rõ, hành lang bảo vệ sông Sài Gòn rộng 20m, hành lang bảo vệ đê bao rộng 5m.

Trong sổ đỏ cấp năm 2016 thể hiện, khu đất 9.000m2, có chiều rộng (một cạnh chữ nhật) là 81,44m tính từ sông Sài Gòn vào tới đường đê bao. Tuy nhiên, xác định từ dữ liệu vệ tinh google map cho thấy, chiều rộng thực tế hiện nay vẫn tính từ mép sông Sài Gòn vào tới đường đê bao khoảng 85,4m, dài hơn khoảng 4m so với dữ liệu ghi trong sổ đỏ. Trong khi đó, khoảng cách từ mép sông Sài Gòn vào tới căn nhà lầu vào khoảng 17m, chưa đảm bảo phần đất thuộc hành lang an toàn công trình sông Sài Gòn đã ghi trong sổ đỏ (là 20m).

Ảnh chụp vệ tinh khoảng cách từ mép sông tới căn nhà lầu khoảng 17m.

Ảnh chụp vệ tinh khoảng cách từ mép sông tới căn nhà lầu khoảng 17m.

Ngoài ra, theo quy định, muốn xây dựng bờ kè, nhất là xây dựng đổ bê tông kiên cố dài khoảng 100m như công trình bà Hoa đã làm, thì buộc bà Hoa phải có thỏa thuận với Sở Giao thông vận tải và cũng phải xin phép xây dựng.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, bà Hoa đã tự ý cho đổ đất đá san lấp và xây kè sông. Người dân còn tiết lộ, do bà Hoa là vợ của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của tỉnh Bình Dương, nên mới dám làm điều mà dân thường không bao giờ dám.

Tâm Bút (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.