21/10/2016 8:02 AM
Không biết vì lý do gì mà mãi sau khi có quyết định bồi thường của UBND tỉnh Bình Dương gần 10 năm, UBND thị xã Dĩ An mới có thông báo bồi thường đất cho người dân với giá chỉ 550.000 đồng/m2, trong khi giá đất cùng loại tại thời điểm ra thông báo bồi thường có thể hơn chục triệu đồng mỗi mét.
Ông Nghệ bức xúc vì “đất vàng” của mình bị áp giá bồi thường từ hơn 10 năm trước
Năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 4653 về thu hồi gần 300ha đất của người dân để phục vụ cho dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP HCM. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 1969 về đơn giá bồi thường đất và tài sản tại dự án, trong đó vị trí đất thổ cư nằm cách quốc lộ 1A từ 51 đến 100m có giá là 550.000 đồng/m2 nếu là đất chuyên dùng thì được tính theo giá đất ở. Hàng trăm hộ dân đã được thông báo nhận tiền và nhường đất lại cho dự án.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà hộ ông Phạm Văn Nghệ (SN 1955, ngụ khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An) có 9.650m2 đất chuyên dùng (được tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ năm 1992) lại không hề có thông báo bồi thường. Mãi đến tháng 9/2009, UBND thị xã Dĩ An mới công bố tiền bồi thường đối với tài sản trên đất cho ông Nghệ với số tiền gần 600 triệu đồng.
Vì vậy, gia đình ông Nghệ vô cùng bức xúc vì bỗng nhiên chỉ được bồi thường tài sản trên đất, còn gần 10.000m2 “đất vàng” thì không thấy tăm hơi gì, nên ông Nghệ làm đơn kêu cứu khắp nơi để buộc chủ đầu tư phải bồi thường đất cho mình.
Chờ mỏi mòn, vào cuối năm 2012, ông Nghệ mới được thị xã Dĩ An ra quyết định 7624 về việc công bố tiền bồi thường đất, lại tréo ngoe chỉ được bồi thường hơn 3 tỷ đồng cho gần 1ha “đất vàng”, vì UBND thị xã Dĩ An tính toán theo hệ số 0.6 áp dụng cho đường không tên. Theo đó, lấy mốc giá 550.000 đồng/m2 theo Quyết định áp giá bồi thường mà UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2003.
Không những không được áp nguyên giá với thời điểm cách đó 10 năm mà còn bị giảm gần một nửa, nên ông Nghệ làm đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi, yêu cầu phải bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm ra quyết định bồi thường là 13,5 triệu đồng/m2. Sau thời gian xem xét, các cơ quan chức năng đã họp bàn và thống nhất quyết định áp dụng nguyên giá của năm 2003 là 550.000 đồng/m2 cho gia đình ông Nghệ, vậy là gần 1ha “đất vàng” của ông được bồi thường hơn 5 tỷ đồng.
Thấy quá bất công vì đất xung quanh vào thời điểm đó bán với giá hơn chục triệu đồng mỗi mét, nhưng chính quyền lại lấy giá từ 10 năm trước để tính cho mình một cách quá rẻ mạt, nên ông Nghệ tiếp tục kêu cứu. Tuy nhiên, thị xã Dĩ An và tỉnh Bình Dương đều bác vì cho rằng, cách tính này là đúng vì đất của ông nằm trên đường không tên nên phải tính với mức giá thấp nhất.
“Đất gia đình tôi đã được tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ từ năm 1992, mục đích là đất chuyên dùng. Con đường này rộng tới 12m, có từ trước năm 1975 và được phía TP HCM tráng nhựa từ năm 1998. Con đường này có tên rõ ràng là đường 621 (đoạn 621 thuộc TP HCM, đoạn nối dài thuộc Bình Dương - PV). Vào thời điểm năm 2012, đất tại khu vực này được phía TP HCM áp giá là gần 9 triệu đồng/m2, thế nhưng Bình Dương lại chỉ bồi thường cho tôi 550.000 đồng/m2...”, ông Nghệ bức xúc.
Theo ông Nghệ, gia đình ông luôn ủng hộ và thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên việc gì cũng phải có tình, có lý, chứ không phải địa phương muốn làm trời làm đất gì thì làm. Nếu vào thời điểm năm 2003, sau khi có quyết định thu hồi đất và áp giá bồi thường đất để làm dự án mà giao tiền thì gia đình đã đi lâu rồi. Thế nhưng không có ai thông báo lấy tiền và việc xây dựng nhà trọ trên đất cũng chẳng ai nói gì…
“Mãi đến năm 2009, họ mới vào kiểm kê các tài sản trên đất rồi ra quyết định mức bồi thường về tài sản mà không hề nhắc gì tới đất. Khi kêu cứu khắp nơi thì đến cuối 2012, họ mới có thông báo số tiền bồi thường đất cho gia đình tôi, nhưng chỉ bằng một nửa so với các hộ dân di dời cách đó chục năm. Thực tế do đây là khu vực giáp ranh nên giá đất giao dịch tại đây luôn ngang bằng, chứ không thua kém gì với đất TP HCM”, ông Nghệ đặt vấn đề.
Việc chậm bồi thường không phải lo lỗi ông Nghệ, thế nhưng các cơ quan chức năng lại căn cứ vào khoản 4 Điều 39 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ để nói rằng việc áp giá cách đó gần 10 năm là đúng vì, “Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định Nghị định này…”.
“Rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm của thị xã Dĩ An và Bình Dương đã cố tình vận dụng sai vì họ chỉ nói ý thứ nhất, mà lờ đi ý thứ hai của khoản 4 Điều 39 Nghị định này. Theo đó, trường hợp thực hiện bồi thường chậm thì giá đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP”, ông Nghệ lý giải.
Để tránh thiệt thòi và bức xúc cho người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của thị xã Dĩ An và tỉnh Bình Dương cần xem xét lại việc bồi thường cho người dân một cách hợp lý, hợp tình.
Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định: “Trường hợp bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường; nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi”.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: “Nội dung phản ánh của ông Nghệ là có cơ sở và các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại. Thật không công bằng khi cùng là người dân với nhau, sống trong một khu vực có các điều kiện kinh tế, xã hội như nhau, nhưng quyền lợi và chính sách lại chênh lệch nhau. Đó là một sự bất hợp lý. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị, cá nhân thực thi công vụ đã không thực hiện đúng, đủ quy trình thủ tục khiến người dân bức xúc. Theo luật, nếu việc bồi thường chậm do lỗi của công chức gây ra thì phải áp giá bồi thường cho người dân theo giá công bố tại thời điểm trả tiền bồi thường, việc áp giá cũ cho ông Nghệ như vậy là chưa đúng luật”.
Hoàng Anh (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.