Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Các ngân hàng Trung Quốc, Đài Loan cho biết họ rất tin tưởng Chính phủ Việt Nam và cam kết hoạt động lâu dài, ổn định".
Đó là khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tại phiên họp ngày 29/5.
Ngân hàng nước ngoài vẫn ổn định
Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, sau vụ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và một số vụ gây rối vừa qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng về cơ bản vẫn ổn đinh.
Hệ thống chỉ xáo động mất khoảng một tuần do tâm lý trước sự việc biển Đông và tác động mang tính kỳ hạn, vì thông thường Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá vào đầu tháng 6. Cộng hai yếu tố đó đã làm cho tỷ giá và giá vàng có tăng lên trong một tuần làm cho giá vàng tăng lên sau sự kiện biển Đông, nhưng sau đó đã ổn định trở lại.
Còn xét về tổng thể, đến thời điểm này, toàn hệ thống ngân hàng vẫn tương đối ổn định.
Báo cáo về ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng đối sau vụ việc gây rối, Thống đốc Bình cho biết, về cơ bản là an toàn, chỉ có một số máy ATM bị đập phá nhưng không bị mất tiền.
Các doanh nghiệp bị thiệt hại sau vụ việc gây rối có dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng và 136 triệu USD, không phải là lớn. Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét cho giãn, hoãn hoặc khoanh nợ 3 -5 năm rồi sau đó xử lý tiếp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã họp với ngân hàng nước ngoài, trong đó có các ngân hàng Trung Quốc. Hầu hết đều khẳng định hoạt động bình thường, cam kết hoạt động lâu dài. Thậm chí một số ngân hàng còn muốn mở thêm chi nhánh tại Việt Nam.
Riêng đối với các ngân hàng của Trung Quốc, Đài Loan, tập thể các ngân hàng này rất cảm kích trước phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Họ đã yên tâm và cam kết hoạt động lâu dài.
Trước một số cảnh báo về biến động dòng tiền, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thấy hiện tượng doanh nghiệp chuyển tiền về nước, thậm chí có tăng lên, do tiền vẫn để lại tài khoản. Không có chuyện doanh nghiệp nước ngoài rầm rộ chuyển tiền về nước như đồn thổi.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan này cũng không chủ quan, sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền, an ninh hệ thống mạng.
Giảm lãi suất cũng có hai mặt
Về số liệu cụ thể của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế đến cuối tháng 5, Thống đốc Bình cho hay, trong hơn 20 ngày đầu của tháng 5, tiền gửi vẫn tăng 0,66%, chỉ có tiền gửi ngoại tệ của dân cư có giảm.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,15% là phù hợp do đầu năm đến nay chúng ta mua ngoại tệ nhiều nên làm cho lượng tiền tăng lên.
Lạm phát ở mức 1,08% sau khi tăng 0,2% trong tháng vừa qua. Do đó, cơ quan này dự báo lạm phát tiếp tục tăng 0,4 - 0,6% do lạm phát thực tế tăng và chi phí y tế ở Tp.HCM tăng. Theo Thống đốc Bình, dù có tăng mức đó thì lạm phát 6 tháng cũng chỉ 1,5%, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Phân tích về lạm phát cơ bản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với đầu năm đã tăng 1,6%, và 3,44% so với cùng kỳ cho thấy càng ngày lạm phát cơ bản và lạm phát thật cơ bản gần nhau hơn. Điều này cũng thể hiện có một số mặt hàng giá tiếp tục giảm, tổng cầu nền kinh tế vẫn còn yếu.
Dự báo của Ngân hàng Nhà nước rằng, nếu không có gì quá đột xuất thì vẫn có thể kiểm soát được lạm phát, thậm chí dưới 5%.
"Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, đang cân nhắc có tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không", ông Bình nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay tình hình đã ở ngưỡng cân bằng của nền kinh tế nên việc giảm lãi suất cũng có hai mặt. Nếu giảm tiếp thì có thể có tác động nhiều mặt, trong đó tác động đến giá trị của VND. Do đó phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, bởi có khi cái hại còn nhiều hơn cái lợi nếu giảm lãi suất, theo Thống đốc Bình.
Về cán cân thanh toán, đến thời điểm này vẫn thặng dư 10 tỷ USD. Duy chỉ có tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn, đến nay sau 5 tháng dao động từ 1,1 - 1,3%., chứng tỏ cầu vẫn yếu.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng và doanh nghiệp để tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, chủ yếu là do cầu chưa cao, còn hiện nay doanh nghiệp cũng không quá quan trọng mức lãi suất vay.
Thống đốc cũng lưu ý các bộ ngành trước thực tế lượng tiền gửi của kho bạc trong hệ thống ngân hàng vẫn khá cao, lên gần 94 nghìn tỷ. Số này nếu giải ngân ngay được sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Về tình hình xử lý nợ xấu, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã mua được hơn 47 nghìn tỷ đồng nợ xấu, hiện đang tiếp tục xử lý mạnh, đang phân loại để bán lại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cơ cấu lại các khoản để giảm áp lực cho các doanh nghiệp. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã bán được gần 500 tỷ đồng nợ xấu.