01/03/2020 7:36 PM
Lô đất hơn 7.000 m2 có giá trị hàng chục tỉ đồng đã được điều chỉnh bỏ ra ngoài quy hoạch và cho chuyển sang đất ở.

Huyện uỷ Chư Sê, tỉnh Gia Lai mới có báo cáo việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm hành chính mới và Khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê gửi Thường trực Tỉnh uỷ Gia Lai. Trong đó xác định UBND huyện Chư Sê tự ý điều chỉnh quy hoạch tổng thể không thông qua Thường trực, Ban thường vụ Huyện uỷ.

Nhiều lần điều chỉnh quy hoạch

Năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định (QĐ) số 38/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê. Năm 2017 ra QĐ 698/QĐ-UBND định hướng hình thành Khu trung tâm hành chính mới tại thôn Tân Lập, thị trấn Chư Sê.

Năm 2016, một doanh nghiệp (DN) đã xin lập dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính và Khu đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê. Khi DN không triển khai dự án, UBND huyện Chư Sê xin tiếp tục thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Lô đất (khoanh đỏ) của ông Bùi Chính nằm giữa dự án nhưng được điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch

Theo UBND huyện Chư Sê, trong quá trình triển khai dự án đã có nhiều vướng mắc, phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ đồ án để phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân và phù hợp với khả năng của huyện.

Theo đó, UBND huyện Chư Sê đã tự ý điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê 7 lần và điều chỉnh cục bộ Khu dân cư thôn Tân Lập 4 lần.

Báo cáo với Thường trực Huyện uỷ Chư Sê, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho rằng việc nhiều lần điều đỉnh quy hoạch để giải quyết nguyện vọng của người dân. UBND huyện đã lấy ý kiến của Sở Xây dựng và sở này đã thống nhất đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng.

Ưu ái bất thường?

Đáng chú ý, hộ ông Bùi Chính (trú huyện Chư Sê) có 15,812 m2 nằm giữa dự án, qua các lần điều chỉnh, UBND huyện Chư Sê chỉ thu hồi hơn 8.600m2 còn để lại nguyên hiện trạng hơn 7.000m2 cho hộ ông Chính.

Ngoài ra, hộ ông Bùi Chính còn được UBND huyện Chư Sê "ưu ái" làm nhiều hộ dân khác có đất bị thu hồi phải ghen tỵ.

Cụ thể, diện tích hơn 500m2 là mương thuỷ lợi cũng được UBND huyện giao luôn cho ông Chính để tiện trong công tác quản lý và sử dụng. Ông Chính chỉ phải nộp 138 triệu đồng cho diện tích đất này.

Lô đất được tiếp giáp với 3 mặt đường, dài hàng trăm mét

Sau đó, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp với phòng chức năng, xí nghiệp thuỷ nông Chư Sê – Chư Pứh khẩn trương rà soát, đưa dòng chảy của mương thuỷ lợi ra ngoài phần diện tích dự kiến giao cho ông Chính sử dụng và đấu nối tiếp tục với hệ thống mương thuỷ lợi để đảm bảo dòng chảy tưới tiêu cho các hộ dân.

UBND huyện Chư Sê cũng điều chỉnh, đưa đường quy hoạch số N19 nằm giữa lô đất của ông Chính ra ngoài lô đất cho liền thửa. Với phần diện tích bị chênh lệch do thu hồi, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện chư Sê điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với vị trí một lô (số 135) có diện tích 188m2, giáp mặt đường hiện trạng và cấp cho ông Chính.

Đặc biệt, dự án đang được triển khai nhưng diện tích đất hơn 7.000 m2 là đất trồng cây lâu năm mà UBND huyện không thu hồi của ông Chính được cho phép chuyển đổi sang đất ở và cho ghi nợ tiền chuyển đổi đất với số tiền khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.

Tuy không thu hồi, nhưng đường giao thông vẫn thực hiện và bao quanh lô đất của ông Chính khiến cho lô đất này tiếp giáp mới 3 mặt đường quy hoạch.

Tính sơ bộ, nếu làm đường, chia lô và bán theo giá UBND huyện Chư Sê mới tổ chức đấu giá thì lô đất trên có giá trị khoảng 70 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Hồng Linh, do nhiều lần đối thoại bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng hộ ông Chính không thống nhất nên UBND huyện giải quyết trường hợp này theo đề xuất của tổ công tác làm nhiệm vụ trực tiếp GPMB. Cụ thể ông Chính có hơn 15.800m2 nhưng chỉ đồng ý cho thu hồi hơn 8.600m2 còn lại hơn 7.000 không đồng ý. Chính vì vậy, UBND huyện chỉ quy hoạch trên phần đất đã được thu hồi, phần còn lại ông Chính xin chuyển mục đích sử dụng đất và đang được thụ lý giải quyết.

Trầy trật đòi hỗ trợ nhưng không được

Cũng tại dự án Khu trung tâm hành chính và Khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê, hàng chục hộ dân vẫn đang tiếp tục khiếu nại đòi tiền bồi thường, hỗ trợ thiếu. Trước đó, những hộ dân này làm đơn khiếu nại đòi quyền lợi nhưng UBND huyện Chư Sê thông báo không thụ lý với lý do "hết thời hiệu" (Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin).

Sau khi đích thân chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo, ngày 25-12-2019, UBND huyện Chư Sê tổ chức đối thoại với các hộ dân và giữ nguyên quan điểm không đồng ý chi trả khác khoản còn thiếu theo quy định của pháp luật. Riêng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chưa chi trả, ai có nhu cầu đến đăng ký thì UBND huyện sẽ tổ chức đào tạo nghề chứ không hỗ trợ bằng tiền.

Không đồng ý với cách giải quyết này, 36 hộ dân tiếp tục làm đơn kiến nghị tập thể gửi Ban tiếp công dân Trung ương nhưng sau đó lại được hướng dẫn gửi đơn đến UBND huyện Chư Sê để được giải quyết.

Hoàng Thanh (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.