25/08/2014 9:33 AM
Tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn khi bán được định giá bèo, phiên đấu giá bị dừng đột ngột vào phút chót…, từ đây lộ ra nhiều lỗ hổng pháp lý

Theo chân ông Trần Văn Cường, một nhà đầu tư bất động sản, chúng tôi đến Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) để tìm hiểu vụ bán đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng (NH) là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất tại lô A, thửa đất số 428-65 TBĐ số 7, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.

Từ chối bán hồ sơ

Sau khi khảo sát thực tế tài sản là lô đất có diện tích 270 m2 (ngang 15 m, dài 18 m; đất ở đô thị, hình thức sử dụng riêng) đã xây dựng xong phần thô nhà ở 3 tầng, nằm mặt tiền đường Nam Thông 1 và 2, phường Tân Phú, ông Cường quyết định đăng ký tham gia đấu giá. Thế nhưng, Công ty Nam Sài Gòn 2 lần từ chối bán hồ sơ với lý do... tài sản đang có tranh chấp.

Tài sản bán đấu giá là khu đất có diện tích 270 m2 đã xây dựng xong phần thô nhà ở 3 tầng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Do Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 (gọi tắt THA quận 5) ký hợp đồng, giao Công ty Nam Sài Gòn bán đấu giá tài sản nên khi ông Cường khiếu nại thì THA quận 5 cho biết công ty này không có quyền ngưng phiên đấu giá. Lập tức, lãnh đạo Công ty Nam Sài Gòn hẹn ông Cường ngày giờ đến mua hồ sơ.

Ngày 24-7, tại Công ty Nam Sài Gòn, ngoài ông Cường còn có 2 cá nhân khác và ông Võ Viết Đăng - đại diện cho một NH tại TP HCM - cũng mua hồ sơ tham gia đấu giá. Qua câu chuyện của họ, chúng tôi biết được một người trong số này có quan hệ thân thiết với một số thành viên HĐQT NH mà ông Đăng làm đại diện, đồng thời người này còn nói với ông Đăng rằng NH có tham gia đấu giá cũng không mua được tài sản.

Chỉ bằng 1/2 giá thị trường

Được biết, tài sản đấu giá là một trong nhiều tài sản do Công ty CP Kim loại Tân Việt thế chấp để vay tiền NH. Do công ty này không trả được nợ vay theo phán quyết của tòa án nên NH yêu cầu THA quận 5 phát mãi tài sản thông qua đấu giá để từng bước thu hồi nợ.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá đất mặt tiền đường Nam Thông 1 và 2 hiện nay được giao dịch ở mức 50 triệu đồng/m2, tính ra lô đất 270 m2 phải có giá hơn 13 tỉ đồng. Thế nhưng, mức giá khởi điểm cho tài sản trên khi đưa ra đấu giá chỉ hơn 6,2 tỉ đồng do Công ty TNHH Giám định thẩm định Vimexcontrol định giá. Chúng tôi thắc mắc: NH là chủ nợ (bên được thi hành án) tại sao còn cử nhân viên tham gia đấu giá? Vị lãnh đạo NH có tài sản đấu giá lý giải: “Thực ra, NH không muốn tham gia nhưng do tài sản được định giá quá thấp, chỉ hơn 6 tỉ đồng trong khi NH định giá khoảng 14-15 tỉ đồng. Nếu NH mua được tài sản với giá cao thì lợi ích của con nợ lẫn NH được bảo vệ. Cụ thể là NH xử lý được một phần nợ xấu, còn khách hàng trả được nợ”.

Phiên đấu giá được diễn ra lúc 8 giờ 30 phút ngày 5-8 nhưng bị dừng đột ngột. Những người tham gia đấu giá đồng loạt chất vấn bà Đinh Thị Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Sài Gòn, thì bà Đào cho biết công ty nhận trực tiếp thông báo tạm dừng phiên đấu giá từ THA quận 5 vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 4-8 vì tài sản đang có... tranh chấp (?). Nghi ngờ tính xác thực các thông tin trên, những người tham gia đấu giá yêu cầu bà Đào mời chấp hành viên THA quận 5 (người ký thông báo tạm dừng phiên đấu giá) và Tổng Giám đốc Công ty Nam Sài Gòn đến để lập biên bản, ghi nhận các ý kiến của người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, bà Đào cho hay “sếp bận công tác bên ngoài, mọi thắc mắc xin liên hệ với THA quận 5”.

Lỗ hổng pháp luật

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, phân tích: THA quận 5 thông báo tạm dừng phiên đấu giá với lý do tài sản đang có tranh chấp là bình thường. Thế nhưng, việc tài sản được định giá quá thấp so với thực tế, thông báo tạm dừng đấu giá lại đưa ra vào phút chót là bất thường. Đây là một trong những kẽ hở của Luật Thi hành án mà nhiều người có thể tranh thủ để tham gia đấu giá, mua tài sản với giá rẻ.

Đề cập đến giá khởi điểm, PGS-TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng giả sử có sự tác động nào đó từ các bên liên quan đến tài sản, dẫn đến tài sản có thể bị định giá thấp hơn giá trị thực tế thì công ty thẩm định giá phải chịu trách nhiệm. Nếu các bên liên quan đến tài sản cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm hại do việc định giá thấp thì có quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc nhờ các cơ quan chức năng can thiệp.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.

Thy Thơ (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.