22/09/2017 9:15 AM
CafeLand – Công trình xanh tại Việt Nam đang trong quá trình học hỏi, đi sau rất xa so với các nước cùng khu vực và trên thế giới. Do vậy có lẽ khó kỳ vọng mọi sự như ý lúc này.

Các chủ đầu tư vừa làm vừa học

Tại buổi tọa đàm “Bất động sản xanh: Trào lưu hay xu thế?” vừa diễn ra tại Tp.HCM, các chuyên gia cho rằng, ở các nước có nhiều công trình xanh trên thế giới thực hiện thành công bởi có sự nhận thức sâu sắc về thay đổi khí hậu và lợi ích mà loại công trình này mang lại. Bên cạnh đó là vai trò quản trị của Nhà nước được thực hiện tốt.

Trong khi đó, tại Việt Nam những điều này vẫn còn hạn chế. Đó là chưa kể đi sau “láng giềng” nên các chủ đầu tư trong nước phải học hỏi rất nhiều.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phúc Khang cho biết, để thực hiện dự án theo tiêu chuẩn xanh của công ty, ngay từ khi quyết định triển khai bản thân bà cũng phải vừa học vừa làm, tự đọc và tìm hiểu nhiều tài liệu để hiểu về công trình xanh và ứng dụng vào dự án của mình. Trong quá trình thi công dự án, bà cũng phải trực tiếp vào công trình để kiểm tra các thiết bị sử dụng có đáp ứng đúng tiêu chuẩn hay không.

Trong bối cảnh công trình xanh tại Việt Nam còn ít ỏi, việc ngày càng có thêm nhà đầu tư tư nhân xây dựng dự án xanh là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm trong vận hành quản lý cũng như yếu về thương hiệu đang là những trở ngại cho các doanh nghiệp đầu tư.

Lo thua trên sân nhà

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ Leed là cao ốc President Place tại Tp.HCM, vào năm 2012. Đây là dự án do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chứ không phải doanh nghiệp Việt.

Những dự án xanh ở Việt Nam đang trong quá trình học hỏi, đi sau rất xa so với các nước. Do đó, nếu thực hiện một dự án cùng tiêu chí thì doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế hơn. Lý do là bên cạnh để thực hiện các tiêu chí xanh đã không đơn giản thì việc vận hành dự án trong tương lai cũng rất quan trọng. Trong khi đó, chúng ta đang có những hạn chế trong việc quản lý.

Đối với một bất động sản thương mại như khách sạn, resort, hầu hết các chủ đầu tư đều thuê các công ty nước ngoài vào quản lý do thiếu kinh nghiệm và thương hiệu. Hiện nay cũng đã có một số chủ đầu tư thời gian đầu thuê công ty nước ngoài nhưng sau này học hỏi và tự làm. Đây là điều mà chúng ta đang cần có thêm nhiều thời gian để tìm tòi học hỏi. Đặc biệt, đối với bất động sản nhà ở, các dự án theo đạt tiêu chuẩn xanh còn rất ít, doanh nghiệp trong nước luôn đi sau các nhà đầu tư nước ngoài nên việc cạnh tranh rất khó.

“Bất động sản xanh nếu đi theo xu hướng thực sự chứ không phải là trào lưu thì chúng ta sẽ đi sau các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều và chúng ta đang thua trên sân nhà”, ông nói.

Theo các chuyên gia, để gỡ khó cho doanh nghiêp, thúc đẩy công trình xanh phát triển phải nâng tầm kiến thức từ trong nhà trường, ra xã hội. Thứ hai là vấn đề nhận thức xã hội về công trình xanh, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để năng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó là vấn đề về tư duy ý tưởng, công nghệ, thiết kế khi đầu tư thực hiện dự án.

Cần chữ "tâm" của chủ đầu tư

Hiện trên thị trường bất động sản có nhiều dự án tự nhận mình là xanh, tuy nhiên khi cung cấp sản phẩm lại không như quảng bá ban đầu dễ gây bức xúc cho người mua nhà và làm “khổ” các môi giới.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Đồng sáng lập viên GreenViet, Phó Chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TP.HCM cho rằng đây là thực tế có thật, điều này khiến cho công trình xanh thời gian qua thiếu minh bạch. Lý do là có một thời gian công trình xanh nằm trong giai đoạn khởi động nên chưa có những chế tài hay quy định về quảng công trình xanh.

Có nhiều dự án được đặt tên nhằm gắn mác xanh theo trào lưu bằng cách gắn vào dự án các chữ như eco, xanh, green,… Tuy nhiên, muốn biết dự án đó xanh hay không cần soi chiếu vào tiêu chí.

Hiện có 3 tiêu chí phổ biến tại Việt Nam là Leed của Mỹ, Lotus của Việt Nam và Green Mark của Singapore. Theo đó, khi mua nhà khách hàng cần hỏi chủ đầu tư dự án đang làm theo tiêu chí nào và làm ở mức độ nào.

Các dự án muốn được cấp chứng chỉ xanh sau khi hoàn thành công trình xây dựng đều phải nộp hồ sơ lên hội đồng công trình xanh xem xét sau đó mới được cấp chứng nhận. Do đó, người mua nhà nên hỏi chứng nhận này, tuy nhiên hầu như chưa có do chỉ khi dự án hoàn thành thì chủ đầu tư mới có thể hoàn thiện hồ sơ từ thiết kế, xây dựng, hoàn công,… để xét duyệt nên rất khó.

Do đó, để phát triển dự án bất động sản xanh thành công, không thể thiếu chữ “tâm” của các chủ đầu tư.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.