Theo RFI, sau nhiều năm phồn thịnh, thị trường nhà đất Trung Quốc bị khựng lại trong những tháng vừa qua. Bên cạnh hiện tượng tự điều chỉnh, Bắc Kinh phải tái sắp xếp lĩnh vực kinh doanh được xem là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế.
Đối với thành phần trung lưu người Trung Quốc thì mua được căn hộ ở thành phố là dấu hiệu của thăng tiến xã hội. Nhờ tỷ lệ tăng trưởng cao, người có chút tiền đổ xô mua nhà và qua đó đã làm tăng nhiệt thị trường địa ốc tại Hoa lục.
Mua nhà cũng là một phương thức đầu tư cho tương lai vì hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ người già chỉ có tiếng mà không có thực chất.
Do vậy mà giá nhà đất ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã tăng đến 4 lần kể từ năm 2003 và gấp đôi ở những nơi khác trong cơn sốt đô thị hóa theo như số liệu của ngân hàng Standard Bank.
Tuy nhiên, thời kỳ vàng son đã sang trang. Giá trung bình tại 100 thành phố chính đã giảm xuống chỉ còn độ 1.500 USD mỗi mét vuông. Trong 10 thành phố lớn nhất của Trung Quốc chỉ có Bắc Kinh và Thiên Tân là còn duy trì được giá cao trong khi nhiều thành phố khác giá nhà mới hầu như tuột dốc.
Như con tàu Titanic
Trên báo China Business News, chủ tịch tập đoàn bất động sản SOHO thuộc loại khủng long trong ngành đầu tư địa ốc, cảnh báo: thị trường bất động sản Trung Quốc như con tàu Titanic sắp đụng vào tảng băng sơn trước mặt.
Cơ quan thẩm định tín nhiệm Moody’s đã hạ điểm viễn cảnh của thị trường địa ốc Trung Quốc, đưa ra một danh sách dài về nhà cửa không bán được, một phần vì tình hình chung rất ảm đạm nhưng mặt khác là do chính sách siết chặt tín dụng.
Các biện pháp hạn chế cho vay của Ngân hàng trung ương ban hành năm 2013 nhằm mục đích chống tệ nạn nợ xấu trong cả hai lãnh vực kinh doanh công và tư đã gây khốn đốn cho người muốn mua nhà lẫn doanh nghiệp địa ốc.
Từ tháng hai đến nay, có ít nhất 6 công ty trung bình đã gặp tình trạng không đủ khả năng thanh toán nợ.
Hậu quả là thị trường bất động sản rơi vào vòng lẫn quẩn: công ty xây dựng hạ giá để thu hút khách hàng còn khách hàng thấy xuống giá thì chờ giá xuống thêm. Vòng xoáy này đã đưa đến tình trạng thành phố ma ở Trung Quốc: hàng hàng lớp lớp cao ốc bỏ hoang, từng khu đô thị mới với hàng ngàn căn hộ không người ở.
Tình thế bế tắc này có thể còn kéo dài vì chính quyền Trung Quốc vô kế khả thi. Ý thức giá cả nhà đất lên cao gây bất bình trong dân chúng, chính quyền trung ương tìm cách hạn chế mua bán nhà ở các đô thị lớn.
Thế nhưng, chính quyền địa phương thì bằng mọi giá phải xây thật nhiều, bán giá thật cao vì đầu cơ địa ốc là nguồn ngân sách và nguồn lợi béo bở của cán bộ.
Nguồn cội dân oan
Chính vì vậy, theo RFI, đó là lý do tại sao nảy sinh "chính sách" trưng thu đất đai của nông dân tạo ra hàng triệu dân oan sớm tối tranh đấu đòi bồi thường.
Thật ra, theo AFP trích dẫn các chuyên gia tài chính, thì Bắc Kinh vẫn có khả năng ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng sụp đổ thị trường bất động sản mà chấn động sẽ gây tác hại lớn cho cả hệ thống kinh tế và tài chính Trung Quốc. Biện pháp đó là nới lỏng tín dụng và để cho điều tiết số lượng nhà bán.
Vấn đề là khả năng này không nhiều. Nếu giá địa ốc giảm xuống hơn 10% thì sẽ kéo tỷ lệ tăng trưởng GDP sẽ xuống dưới 7% với những hệ quả bất ổn xã hội không thể tránh được theo như thẩm định của chính phủ Trung Quốc.
Trước viễn cảnh không sáng sủa này, một số chuyên gia ngân hàng Trung Quốc tìm cách trấn an với lập luận: thị trường bất động sản Trung Quốc còn tương lai tươi sáng trong vài thập niên nữa vì trong thời gian tới ít nhất 200 triệu dân nông thôn sẽ đổ ra thành phố tìm việc làm và…mua nhà.
Vấn đề là các chuyên gia có biết là thành phần "dân công" bị đặt bên lề xã hội vì không có hộ khẩu? Họ phải sống trong những căn nhà ổ chuột, con cái không được đến trường.
Làm cách nào để cơn khủng hoảng bất động sản được 200 triệu "dân công" giải quyết giùm nếu quyền sống của người Trung Quốc không được tôn trọng ngay trên đất nước của chính họ?
-
Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Country Garden báo lỗ kỷ lục trong năm 2023-2024
Sau nhiều tháng trì hoãn công bố báo cáo tài chính, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings cuối cùng đã hé lộ khoản lỗ khổng lồ gần 175 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 23,8 tỷ USD) trong năm 2023, gấp gần 30 lần so với năm trước đó...
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...