25/07/2017 2:21 PM
Khoảng hơn một tháng nay, các dự án BĐS khu vực trục đường Võ Chí Công, phía đầu cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài (tạm gọi là Tây Hồ Tây) được quảng cáo rầm rộ với những chính sách bán hàng hấp dẫn.
Song, hầu như các dự án này chỉ dành cho giới nhà giàu, người thu nhập trung bình khó có cơ hội sở hữu.
Chỉ dành cho người giàu
Mặc dù đã có thời gian, giới đầu cơ đã đi tắt đón đầu, đầu tư đất nền ở hai phía đầu cầu Nhật Tân khi chuẩn bị triển khai dự án. Song, sau đó giới đầu cơ bị một phen sống dở chết dở khi “bong bóng” BĐS vỡ, thị trường tuột dốc không phanh. Phải đến khi công trình cầu Nhật Tân, tuyến đường Võ Chí Công hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối tới trung tâm TP, cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các tỉnh phía Bắc,… thì thị trường BĐS khu vực này mới thực sự sôi động trở lại.
Phần lớn các dự án bất động sản trên đường Võ Chí Công là chung cư, căn hộ cao cấp. Ảnh: Phạm Hùng
Theo khảo sát của phóng viên, khác với phía đầu cầu Nhật Tân - Đông Anh (sự sôi động đa phần do giới đầu cơ thổi phồng giá và tạo dư luận “sốt”), khu vực đầu cầu phía bên nội thành, quanh khu vực trục đường Võ Chí Công - Tây Hồ Tây, với phong thủy thế đất “đầu rồng”, BĐS tại đây hot không phải đất nền mà là dự án căn hộ. Tầm hơn một tháng trở lại đây, các dự án BĐS tại khu vực này được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông với chính sách khuyến mãi đầy hấp dẫn. Những cái tên như Tây Hồ Riverview, Tây Hồ Residence, Sunshine Riverside, Starlake,… cùng những lời giới thiệu về đẳng cấp của dự án, khiến những người nghèo nghe mà không dám mơ tới, còn những người thu nhập trung bình thấy cần phải nỗ lực rất lớn trong một khoảng thời gian khá dài để có thể sở hữu một căn hộ diện tích tầm 70 - 80m2 tại đây.
Theo vợ chồng anh chị H bán trà đá tại ngõ 15 An Dương Vương, phường Phú Thượng thì giao dịch BĐS ở đây chỉ sôi động ở các dự án căn hộ, còn về giao dịch đất thổ cư thì khá trầm. “Khách hàng đến đây ngồi uống nước đa phần quan tâm đến căn hộ vì họ muốn chỉ việc về ở luôn. Nhà tôi thấy thế nên cũng nhận bán cho dự án Sunshine Riverside.
Dự án của họ đẳng cấp lắm, tiện ích hạ tầng đồng bộ, mua còn được tặng vàng, tặng iphone 7. Mỗi tội là hơi đắt, giá full nội thất phải rơi vào từ 40 triệu đồng/m2 tùy căn; nhận nhà thô cũng tầm từ 34 triệu đồng/m2. Căn hộ 70m2 thô cũng gần 2,5 tỷ đồng, hoàn thiện vào nữa cũng phải tối thiểu trên 3 tỷ đồng. Người thu nhập 10 đến 15 triệu đồng/tháng thì khó mua thật” – chị H cho hay.
Đồng quan điểm với chị H, anh Liêm - đại diện văn phòng Tư vấn BĐS Đất Việt, đường Võ Chí Công cho hay, với tầm tiền 2 tỷ đồng trở lại, rất khó tìm mua nhà khu vực này, khách hàng không có nhiều sự lựa chọn. “Phân khúc trung bình, khu vực này chỉ có vài dự án nhưng hầu như đã bán hết, giờ chỉ mua lại qua tay như EcoLife Tây Hồ, khu Ngoại giao đoàn, Lạc Hồng Westlake, còn muốn mua chính chủ đầu tư thì phải đợi thêm. Ở đây chỉ có dự án cao cấp là dễ mua, lại được chăm sóc tốt, chính sách bán hàng nghe rất hấp dẫn. Vấn đề là chị có bao nhiêu tiền. Tiền ít thì rất khó mua căn hộ dự án mới khu vực này” – anh Liêm khẳng định.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở, khi phóng viên khảo sát một vòng quanh khu vực nhưng phải mỏi mắt để tìm dự án giá bình dân. Đặc biệt, với tầm tiền 1,5 tỷ đồng thì hầu như chỉ nhận được cái lắc đầu của dân khu vực, không tìm được nguồn cung. Chị Minh Hằng (Long Biên, Hà Nội) sau vài tiếng đi tìm căn hộ tại đây, trở về ngồi phịch xuống quán trà đá của chị H. Dù được chị H khuyên, hai vợ chồng thu nhập mỗi tháng 20 triệu nên cố mua dự án cao cấp ở cho đáng nhưng chị Hằng chặc lưỡi: “Chắc khu này chỉ dành cho nhà giàu. Nhà em có cố vay để mua trả dần thì vào đó ở cũng không chịu nổi phí dịch vụ”.
Chật vật vì hạ tầng
Các cụ xưa có câu “tiền nào của đấy” quả không sai. Thị trường BĐS Tây Hồ Tây rất khan hàng phân khúc trung bình, vì thế dự án mở bán là hết nhanh. Thế nhưng oái oăm, đối với dự án đáp ứng phần đông nhu cầu người tiêu dùng Hà Nội, lại luôn vướng về vấn đề hạ tầng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những cư dân đã mua và đến ở khu nhà được đánh giá là bình dân trong khu vực như EcoLife Tây Hồ, khu Ngoại giao đoàn đều đang khá chật vật vì hạ tầng không đồng bộ, đường sá đi lại khó khăn. Xung quanh các dự án đang triển khai nên sân chơi cho trẻ em cũng trở nên bất tiện và không an toàn.
Chị Thu Hà (cư dân tòa nhà Ngoại giao đoàn) cho biết, mua dự án ngoại giao đoàn từ chủ đầu tư thì giá cũng ổn, phù hợp với điều kiện nhà chị nhưng hạ tầng ở đây lại là vấn đề đáng bàn. Dự án cách đường Võ Chí Công khoảng 100m nhưng phải đi vòng vài cây số. “Giá bình dân thì cái gì cũng bình dân cả. Chúng tôi sống chật vật vì hạ tầng ở đây. Song, bên này còn đỡ hơn những cư dân Ecolife Tây Hồ. Mưa to là đường vào lầy lội. Ấy vậy mà khi bán thì họ quảng cáo cũng hay lắm. Đợi được như quảng cáo có mà phải 5 năm nữa” – chị Hà nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Đầu tư Kinh doanh Thủ đô Invest phân tích: “Không thể nhìn hiện tại còn bừa bộn, ngổn ngang để áp đặt cho một khu vực và một dự án. Giá trị BĐS đòi hỏi tầm nhìn dài hạn hơn, từ 3 đến 5 năm”.
Ông Sơn lý giải, với những người mua nhà để ở hoặc như một khoản đầu tư, tầm nhìn dài hạn một chút sẽ giảm đáng kể chi phí mua nhà. Chẳng hạn, nếu đường sá đã hoàn thiện, giá bán BĐS thông thường bao giờ cũng cao hơn so với lúc chưa hoàn thiện từ 20 - 50%. Với khu vực Võ Chí Công, hạ tầng đang hoàn thiện từng ngày sẽ mang tới lợi nhuận đáng kể khi đường sá xây dựng xong.
Thực tế cho thấy, đối với phân khúc trung bình tại khu vực Tây Hồ Tây xuất phát điểm là dự án nhà ở cho các cán bộ công nhân viên của cơ quan khối nhà nước nên giá hợp lý nhưng hạ tầng lại rất bất cập nên khi dân vào ở xảy ra nhiều bức xúc.
Ví như Ecolife Tây Hồ là dự án được đầu tư bởi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House) với mục đích giải quyết khó khăn về nhà ở cho cán bộ của Viện; Khu Ngoại giao đoàn là dự án do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội, cán bộ viên chức ngoại giao đoàn…; còn Lạc Hồng Westlake là dự án nhà ở cho cán bộ viên chức của quận Tây Hồ. Do đó, khi xảy ra những bức xúc dân sinh liên quan đến hạ tầng khu vực thì phía DN không thể chủ động xử lý được, vì liên quan đến quy hoạch chung, mặc dù họ đã cố gắng với những động thái đề xuất giải quyết đến cơ quan chức năng.
Theo lãnh đạo địa phương, khu vực có dự án giá trung bình tại Tây Hồ Tây, chủ đầu tư chỉ được giao đất trong khuôn viên của dự án, còn ngoài khuôn viên, cụ thể là đường giao thông là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay vướng 2 vấn đề là GPMB và tiến độ. Đối với nhà dự án giá trung bình thì vị trí thường sẽ không thuận lợi bằng dự án nhà cao cấp, kinh phí cho dự án cũng hạn hẹp nên giải quyết vấn đề hạ tầng không đơn giản, chủ đầu tư không chủ động được.
Thương Huế (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.