Thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp trong nước đuối sức cũng là lúc các doanh nghiệp nước ngoài vào tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ảnh: Nguyên Khôi
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 3/2013, tổng giá trị tồn kho tại các dự án phát triển nhà ở khoảng 125.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia con số thực tế lớn hơn nhiều lần so với số liệu mà Bộ Xây dựng công bố. Có một nghịch lý ở đây là căn hộ thừa cung trong khi rất nhiều người dân đang có nhu cầu về nhà ở thì lại không tiếp cận được do giá bất động sản trung bình tại các thành phố cao gấp 26 lần so với thu nhập bình quân của người dân.
Việc bán hàng khó khăn nhiều chủ đầu tư vì thiếu vốn nên phải dừng hoặc giãn tiến độ dự án. Thậm chí có cả những chủ đầu tư chấp nhận tái cơ cấu, bán bớt dự án để tập trung phát triển những dự án trọng yếu. Chính điều này lại là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Mới đây, Quỹ đầu tư Warburg Pincus đã chính thức “rót” 200 triệu USD để mua khoảng 20% cổ phần trong Vincom Retail, công ty thành viên của Vingroup.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, khoản vốn đầu tư từ Warburg Pincus Consortium sẽ giúp Vingroup đẩy nhanh tiến độ triển khai, phát triển chuỗi Trung tâm thương mại cao cấp và đa năng mang thương hiệu Vincom Center và Vincom Mega Mall.
Trước đó hồi tháng 4, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, đã hoàn thành việc phát hành 10 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược PT.Nikko Securities Indonesia, tương đương tổng giá trị là hơn 10 triệu đô la Mỹ.
Không chỉ hợp tác đầu tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đã đổ bộ vào Việt Nam đầu tư những dự án có quy mô lớn. Đó là Tập đoàn ACDL của Canađa đầu tư dự án Khu du lịch và Trung tâm hội nghị Hồ Tràm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD; Hay Tập đoàn Keppel Land (Singapore) với 2 dự án lớn The Estella (quận 2) và Riviera Cove (quận 7).
Trong cuộc khảo sát mới đây của Công ty chuyên tư vấn và kiểm toán Grant Thornton Việt Nam, 41% các nhà đầu tư tham gia khảo sát cho biết, Việt Nam là quốc gia hấp dẫn để đầu tư do chi phí nhân công thấp, dân số ở độ tuổi lao động tăng lên. Trong các lĩnh vực, bất động sản là lĩnh vực hấp dẫn thứ tư với tỷ lệ 37%.
Theo ông Chris Brown, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam thì giai đoạn này là thời cơ cho các chủ đầu tư mới có tiềm lực mạnh và tầm nhìn dài hạn đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án phát mãi “thị trường bất động sản việt nam đang đi đến giai đoạn suy thoái đầu tiên, thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vượt ra khỏi suy thoái sẽ có cơ cấu phù hợp hơn và chuyển mình mạnh mẽ hơn cho những bước nhảy trong tương lai”, Chris khẳng định.
Dù khá hấp dẫn nhưng thị trường bất động sản Việt Nam cũng có những rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà nổi cộm là giá đất quá cao và nợ xấu lớn. Theo ông Chris, “Đầu tư trong nước sẽ không phục hồi nhanh chóng nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về giá đất và giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu".