Bất động sản nghỉ dưỡng đang thu hút các nhà đầu tư trở lại, nhưng so với giai đoạn năm 2010, thị trường đã có sự thay đổi rõ rệt, từ vị trí đầu tư cho đến tên tuổi của các tay chơi.
Phú Quốc được nhắc đến khá nhiều trong chuyên mục báo cũng như các bài nghiên cứu về bất động sản thời gian gần đây. Số liệu từ Ban Quản lý Đầu tư Phát triển đảo Phú Quốc cho thấy, tại đây có khoảng 8.000 ha đất cho 202 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn lên tới trên 144.000 tỉ đồng (tương đương 6,3 tỉ USD). Phần lớn trong số này là những dự án liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Không chỉ tại Phú Quốc, hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã được công bố và khởi động tại những địa danh nổi tiếng về tiềm năng du lịch của Việt Nam như Cam Ranh, Hạ Long, Hồ Tràm (Vũng Tàu), Lăng Cô.
Tại Cam Ranh, sau khi chính quyền tỉnh Khánh Hòa “mở cửa“ lĩnh vực đầu tư bất động sản năm 2013, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu rót vốn vào khu vùng vịnh. Hiện tại, hai bên trục đại lộ Nguyễn Tất Thành, các quần thể resort cao cấp như Park Hyatt, Ocean Window, Mia, Diamond Bay, Vinpearl Bãi Dài, Golden Bay, sân golf Cù Hin, Alma… đang được triển khai xây dựng.
“Trò chuyện với ba nhà đầu tư nước ngoài khi họ trở lại Việt Nam thì biết rằng, bất động sản nghỉ dưỡng đem lại doanh thu hấp dẫn, đặc biệt đối với các thương hiệu khách sạn quốc tế. Vì thế, họ đang tìm kiếm những bất động sản nghỉ dưỡng từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Hà Nội”, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE, chia sẻ.
Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, ông Townsend chia sẻ thêm, các doanh nghiệp trong nước cũng đang mở rộng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Luật Nhà ở (sửa đổi), hiệu lực từ 1.7.2015, có thay đổi quan trọng là cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, đã trở thành đòn bẩy chính cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Thực tế cho thấy, nếu như giai đoạn năm 2008, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chủ yếu được phát triển bởi các nhà đầu tư nước ngoài thì hiện nay, nhiều tên tuổi lớn trong nước đã nắm giữ vai trò thống lĩnh trong sân chơi này. Những cái tên như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM, LDG đang nổi lên với nhiều dự án hàng ngàn tỉ đồng.
Theo ông Townsend, trước đây, du khách đến Việt Nam chỉ duy nhất một lần và không bao giờ quay trở lại. Nhưng tình hình này đã thay đổi sâu và rộng hơn, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây.
“Việc Đà Nẵng mở rộng sân bay, thêm nhiều chuyến bay trong và ngoài khu vực, đã giúp thu hút du khách trở lại Việt Nam. Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn trở thành điểm đến tuyệt vời của mọi du khách”, ông Townsend nói.
Để phát huy tiềm năng du lịch, chính quyền địa phương thường ban hành chính sách trải thảm với một số ưu đãi về đầu tư, giá đất… Tuy nhiên, tất cả chỉ mới tạo nên điều kiện cần. Điều kiện đủ để các nhà đầu tư rót vốn là cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt là yếu tố sân bay. Điều này có thể nhìn thấy được trong sự phát triển của Đà Nẵng hay Phú Quốc.
Sự kiện khởi công nhà ga mới của sân bay quốc tế Đà Nẵng, tổng mức đầu tư hơn 1.345 tỉ đồng, năm 2007 và chính thức hoạt động năm 2011 đã mở ra thời kỳ đầu tư sôi động vào bất động sản nghỉ dưỡng.
Cũng tương tự, làn sóng đầu tư vào Phú Quốc bắt đầu trở nên mạnh mẽ khi Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được khánh thành vào cuối năm 2012, với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng. Sân bay Phú Quốc có thể tiếp nhận máy bay Boeing 747 với nhà ga hành khách có diện tích 24.325 m2, công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm...
Học hỏi theo Phú Quốc hay Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện hạ tầng, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.
Với nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên cũng đang nổi lên trên bản đồ bất động sản nghỉ dưỡng với nhiều dự án tỉ USD. Chỉ từ khi Cảng hàng không Tuy Hòa, tổng vốn đầu tư 353 tỉ đồng, khai trương vào cuối năm 2013 cùng dự án hầm đường bộ Đèo Cả được khởi công, nguồn vốn mới thực sự bắt đầu đổ vào Phú Yên.
Hồi đầu năm 2014, Tập đoàn Rose Rock Group, thuộc sở hữu của gia đình tỉ phú người Mỹ Rockefeller, đã hợp tác với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dầu khí Vũng Rô phát triển một tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp trị giá 2,5 tỉ USD tại Vịnh Vũng Rô.
Ở Thanh Hóa, sau khi Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam khởi công xây dựng Khu hàng không dân dụng Sân bay Thọ Xuân, với công suất thiết kế 1,2 triệu khách/năm, hàng loạt ông lớn đã công bố đầu tư vào địa phương này, trong đó có FLC và Vingroup.
Sự tác động của yếu tố hạ tầng, cụ thể là hàng không, lên bất động sản nghỉ dưỡng khiến những khu vực vốn có khoảng cách gần các thành phố lớn cũng phải tính đến chuyện làm sân bay. Điển hình là tỉnh Bình Thuận và Quảng Ninh.
Hồi giữa tháng 1.2015, tỉnh Bình Thuận đã khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng. Với diện tích 543 ha, dự án sân bay Phan Thiết có nhiều hạng mục, trong đó nhà ga hàng không dân dụng, công suất tối đa 300 hành khách mỗi giờ cao điểm, do Rạng Đông đầu tư theo hình thức BOT.
Tại Khu Kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức dự kiến 7.500 tỉ đồng, cũng đang chuẩn bị khởi công.