Phải rất thận trọng khi thực hiện các giao dịch bất động sản thời điểm này, khi mà nhiều dự án "nóng" vẫn đang ở giai đoạn phôi thai, và hàng hoá theo quy định là phải công khai thông tin, niêm yết trên sàn, nhưng đang bị các chủ đầu tư "lờ" đi hoặc cố tình không thực hiện.
"Cơ quan CSĐT - Công an Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TP đề nghị truy tố Lê Quốc Hướng (57 tuổi) - Giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại 559, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc bán các suất nhà dự án trên địa bàn Hà Nội. Qua điều tra, phát hiện vụ lừa đảo này còn liên quan đến CTCP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 (Handico 41)..." - những thông tin kiểu như thế này liên tục được đưa ra từ các cơ quan điều tra thời gian gần đây. Do vậy phải rất thận trọng trong giao dịch bất động sản ở giai đoạn này.


Khu đô thị Dương Nội. Ảnh: Kỳ Anh

Không có hàng vẫn rao bán

Theo cơ quan điều tra, tháng 2.2008, ông Lê Quốc Hướng thông báo có một số suất đất giá ưu đãi thuộc dự án Dương Nội do Cty TNHH Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư và nhà chung cư Mỹ Đình do Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Ông Hướng đã liên kết với ông Phạm Kim Khôi, TGĐ CTCP Handico 41 giới thiệu những người có nhu cầu mua nhà và đất tại 2 dự án nêu trên. Để khách hàng tin tưởng, ông Hướng đưa ra các văn bản không có thật như các bản thông báo, cam kết bán nhà theo giá quy định của Ban quản lý dự án... Rất nhiều khách hàng đã đặt cọc tiền và ký biên bản thỏa thuận về việc mua nhà tại 2 dự án trên tại Handico 41 với số tiền lên tới 12 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi xác minh tại Cty TNHH tập đoàn Nam Cường, được biết Tập đoàn này chưa thực hiện việc liên doanh, liên kết sử dụng đại lý bán nhà, đất hoặc sử dụng chủ đầu tư thứ cấp tại dự án khu đô thị mới Dương Nội đối với bất cứ tập thể hay cá nhân nào. Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng cũng cho biết không có văn bản hoặc thỏa thuận gì về việc mua bán 30 căn hộ tại dự án khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội với Handico 41 và Cty 559 cũng như cá nhân các ông Phạm Kim Khôi, Lê Quốc Hướng. Trong số tiền 12 tỉ đồng khách hàng đặt cọc với ông Khôi, đến nay Lê Quốc Hướng mới chỉ trả lại 3,3 tỉ đồng, hiện chiếm đoạt 8,7 tỉ đồng.

Đây là vụ nổi cộm lớn nhất gần đây, xa hơn một chút, cách đây vài tuần, hồi đầu tháng 10.2010 là vụ lừa đảo, giả mạo giấy tờ tại dự án khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) do CTCP Tasco làm chủ đầu tư với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 40 tỉ đồng; kế đến là vụ CTCP đầu tư địa ốc Petroconex mạo danh nhà đầu tư thứ cấp bán đất dự án liền kề An Hưng (Hà Đông) của CTCP đầu tư đô thị An Hưng và dự án Geleximco với tổng số tiền chiếm đoạt gần 20 tỉ đồng hồi tháng 7.2010; xa hơn nữa là vụ “long trời lở đất” của Cy Xây dựng và Dịch vụ 1/5 lừa nhà đầu tư bán đất dự án Thanh Hà – Cienco5 chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng hồi tháng 4.2010...

Bộ mặt thật của các "đại gia"

Theo nhận định của cơ quan điều tra, vụ Lê Quốc Hướng và Handico 41 mới đây là một vụ án phức tạp và cảnh báo hiện tượng mua bán "ngầm" khá mạo hiểm đối với những người kinh doanh bất động sản. Khi các nhà đầu tư "đói" thông tin về dự án cũng chính là cơ hội tốt cho nhiều đối tượnglừa đảo bán bất động sản bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, và chỉ khi cơ quan công an vào cuộc thì sự thật mới được phơi bày.

Đơn cử như với trường hợp Cty Handico 41, vì có danh nghĩa là một Cty thuộc TCty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, có giấy phép đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản nên khi đăng ký giao dịch trên thị trường, nhà đầu tư hết sức tin tưởng. Nhưng có ai ngờ, khi tiếp cận tập hồ sơ, văn bản đòi nợ và biên bản lập những vi phạm của Cty này do Cty quản lý và phát triển Nhà Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP.Hà Nội gửi đến Handico 41 và các cơ quan chức năng trong suốt 3 năm qua, người ta mới thực sự bị “sốc” về “đại gia” này.

Theo những hồ sơ trên, từ năm 2006, Handico 41 đã ký hợp đồng thuê của Cty Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội hơn 282m2 diện tích tầng 1, nhà N2A, đường Hoàng Minh Giám, Khu đô thị Trung Hoà (Thanh Xuân- Hà Nội). Song tính đến ngày 30.4.2009, số tiền thuê nhà Cty này nợ đã lên tới hơn 594 triệu đồng, nếu tính đến nay, còn cao hơn rất nhiều. Từ tháng 2.2007 đến nay, các cơ quan chức năng đã lập nhiều biên bản vi phạm và ra quyết định chấm dứt hợp đồng thuê nhà, cưỡng chế thực hiện hợp đồng. Ngày 3.3.2009, Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị đã ra thông báo số 77/XN-QLDV về việc thu hồi diện tích tầng 1, nhà N2A. Các văn bản đều có chữ ký của ông Phạm Kim Khôi, TGĐ Handico 41 thừa nhận các sai phạm nhưng cho đến nay phía Cty này vẫn trây ỳ, không trả tiền thuê nhà, cũng không bàn giao trụ sở.

Gần đây nhất, ngày 28.7.2010, ông Lương Văn Hữu - Giám đốc Cty quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đã phải tổ chức cuộc họp về việc truy thu tiền nợ đọng và thu hồi diện tích thuê của Handico 41, khẩn cầu cả cơ quan công an và chính quyền dùng biện pháp cưỡng chế, cắt điện, cắt nước... Hiện Handico 41 đang phải “câu” điện ở các nhà lân cận để văn phòng hoạt động... Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực “đại gia” của Cty này. Liệu Handico 41 có đủ năng lực tài chính để thực hiện những dự án hàng ngàn tỉ đồng như trong quảng cáo của Cty khi mà chỉ với hơn 500 triệu đồng tiền thuê nhà, Handico 41 vẫn trây ỳ, không trả nổi trong suốt mấy năm qua?

Hay như trường hợp CTCP đầu tư địa ốc Petroconex, khi rao bán các dự án vẽ trên giấy của mình, Cty này cứ kín hở mạo nhận mình là một Cty con của Petrolimex, nên đã làm không ít nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin gửi gắm cả chục tỉ đồng, rồi ngậm ngùi ôm quả đắng.

Vậy làm cách nào để có thể phân biệt được "thật - giả" trong cả một "rừng" thông tin về các dự án bất động sản đang được rao bán trên thị trường là câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư đang mong tìm được câu trả lời. Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, thì chính sự thiếu minh bạch, công khai thông tin trên thị trường của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp nước ngoài, trước khi tiến hành những giao dịch, kể cả nhỏ hay lớn, các nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin ở nhiều kênh thông tin, báo chí có uy tín. Hạn chế việc tìm kiếm thông tin trên các trang web rao vặt bởi những thông tin ở đó rất khó kiểm chứng và kiểm soát.

Cafeland.vn - Theo Song Minh (LĐO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland