TP HCM và Hà Nội là nơi tập trung nhiều dự án lớn, chiếm gần nửa bất động sản cả nước và cũng là những thị trường gặp nhiều khó khăn nhất năm qua, tỷ lệ tồn kho lớn, nhiều dự án dở dang. Theo Bộ Xây dựng, một phần nguyên nhân là thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, chưa có điều tra theo nhu cầu của thị trường.
Tại Hà Nội, để hoàn thành toàn bộ các dự án đã giao chủ đầu tư và cung cấp thêm 520.000 căn nhà, gồm chung cư, thấp tầng, thành phố cần khoảng 904.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc thực hiện các dự án là bất khả thi. Vì vậy, trong năm 2013, Bộ Xây dựng kiên quyết rà soát, kiểm tra các dự án, năng lực chủ đầu tư để ra quyết định thu hồi, tạm dừng hàng loạt dự án.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ này sẽ thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản và xử lý theo hướng dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương. Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép Chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động;
Đồng thời, cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại.