Trong những năm gần đây, khi đời sống xã hội của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu nghỉ dưỡng cũng theo đó tăng lên. Sự ra đời của hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp là minh chứng cho sự phát triển của bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Là một phân khúc mới hình thành, nhưng bất động sản du lịch lại là phân khúc có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài: “Bất động sản du lịch Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến sự phát triển còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro và thiếu tính bền vững”.

Bất động sản du lịch Việt Nam – loay hoay tìm hướng đi
Đầu tư vào bất động sản đòi hỏi sự tâm huyết và tầm nhìn rộng. Ảnh minh họa/internet.

Mới xuất hiện trong vòng một thập kỷ vừa qua, bất động sản du lịch phát triển không rầm rộ như các dòng sản phẩm khác của thị trường bất động sản (nhà ở, công nghiệp) nhưng việc tìm kiếm đất, địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư đã khá sôi động. Mặc dù vậy, phân khúc thị trường bất động sản du lịch lại chưa có các nghiên cứu sâu của các cơ quan nhà nước về thị trường. Chưa có quy hoạch tổng thể cho bất động sản du lịch và quy hoạch chi tiết cho từng tiểu phân khúc của bất động sản du lịch. Các chính sách đặc thù, giải pháp riêng đối với bất động sản du lịch cũng chưa được hình thành.

Hầu hết các tiểu phân khúc bất động sản du lịch đều phát triển mang tính tự phát (các khu nghỉ dưỡng nhiều, các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn còn thiếu, nhất là ở các thành phố lớn, các khu du lịch chưa được đầu tư đúng mức). Nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng,… không phát huy hết công suất, dẫn đến một số xuống cấp, hoạt động cầm chừng, nguyên nhân là do đầu tư chưa đủ và dịch vụ yếu, đánh giá sai về khả năng thu hút của dự án đầu tư và chưa đánh giá đúng tiềm năng của du lịch nội địa.

Do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch nên bất động sản du lịch phát triển rất thiếu cân đối giữa các vùng, miền. Bất động sản du lịch tập trung nhiều ở Bình Thuận-Phan Thiết, Đà Nẵng - Hội An, Vũng Tàu, nhưng thiếu vắng khu vực Tây Nguyên, đồng bằng phía Bắc và Tây Nam Bộ… Hầu hết các bất động sản du lịch đều nằm tập trung tại những khu vực ven biển, có vị trí đẹp, môi trường sống an lành, gần gũi thiên nhiên.

Chính những thiếu hụt trong quản lý bất động sản du lịch hiện nay đã khiến thị trường bất động sản du lịch trở thành một thị trường bấp bênh, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Trước thực trạng này, ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài cũng cho biết một số giải pháp để ổn định và phát triển thị trường bất động sản du lịch. Theo đó, cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách, đặc biệt là các chính sách về tiền tệ, tín dụng,… để bình ổn sự bất định hiện nay của thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu chuyên sâu về bất động sản du lịch bao gồm tất cả các tiểu phân khúc của lĩnh vực này (các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, các điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch,…), đồng thời có quy hoạch phát triển cho từng phân khúc; Nhanh chóng phát triển đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng (cả phần cứng và phần mềm như nguồn nhân lực, dịch vụ kèm theo) tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản du lịch phát triển. Tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công đối với đầu tư – kinh doanh bất động sản.

“Nếu một nhà đầu tư thực sự tâm huyết, có năng lực về tài chính, tầm nhìn xa trông rộng, có đầu óc dự đoán sự phát triển thị trường bất động sản du lịch trong tương lai thì đầu tư vào du lịch bất động sản du lịch là hướng đầu tư hiệu quả và bền vững”, ông Thắng khẳng định.

Theo Thu Thủy (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.