Furama Resort Hồ Cóc - Một trong những dự án BĐS du lịch tiềm năng
Tiềm năng lớn
Bất động sản du lịch là một loại hình mới được phát triển ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Phân khúc này bao gồm: khu nghỉ dưỡng (resort); khách sạn, căn hộ, dịch vụ các khu vui chơi giải trí (bao gồm cả sân golf); các khu mua sắm; các khu du lịch; các điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch (như bến cảng). Việt Nam được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển phân khúc bất động sản này, tuy nhiên chưa được quan tâm, khai thác đúng mức.
Tại diễn đàn về đầu tư xây dựng và bất động sản được tổ chức mới đây, ông Phan Hữu Thắng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để bất động sản du lịch phát triển. “Sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.000 km với nhiều bãi biển đẹp, trong đó có không ít nơi còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa bị ô nhiễm, môi trường miền biển trong lành, gần gũi với thiên nhiên là những điều kiện rất lý tưởng cho việc xây dựng nhiều khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển. Hơn nữa, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam có địa hình đồi núi, rất phù hợp với phát triển khu tham quan, nghỉ mát hoặc thuận lợi cho phát triển biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái cho các gia đình sống và làm việc tại nội thành muốn có nơi nghỉ ngơi cuối tuần”- ông Thắng khẳng định.
Một lợi thế không nhỏ khác có thể kể tới là lượng khách du lịch vào Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 11-11,5%/năm. Ngành Du lịch cũng đang có kế hoạch phấn đấu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng từ 10-15%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Ngoài các yếu tố trên còn có thể kể ra hàng loạt các điều kiện thuận lợi khác để phát triển bất động sản du lịch như: Đời sống người dân trong nước cũng ngày càng tăng cao, vì thế nhu cầu đi du lịch cũng ngày một lớn; nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam; nhiều địa phương đã xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốt và sẵn sàng để phát triển, đầu tư xây dựng các khu du lịch ven biển;...
Loay hoay tìm hướng đi
Dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên bất động sản du
lịch Việt Nam những năm qua chưa được khai thác đúng mức và thực tế vẫn
còn phát triển tự phát và đang loay hoay tìm hướng đi. Các khu nghỉ
dưỡng được xây nhiều, tuy nhiên những khu vui chơi giải trí đạt tiêu
chuẩn còn thiếu, nhất là ở các thành phố lớn, các khu du lịch chưa được
đầu tư đúng mức. Nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí,
nghỉ dưỡng không phát huy hết công suất, dẫn đến một số xuống cấp, hoạt
động cầm chừng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bất động sản du lịch
phát triển manh mún là do những thiếu hụt trong quản lý, thủ tục hành
chính còn nhiều bất cập, hệ thống tài chính liên quan đến thị trường bất
động sản chưa hoàn thiện nên tình hình thị trường phụ thuộc lớn vào các
động thái của chính sách tiền tệ.
Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn còn đánh giá sai về khả năng thu hút của dự án và chưa nhìn nhận đúng tiềm năng của du lịch nội địa nên còn đầu tư manh mún và chưa đủ các dịch vụ cần thiết.
Trước thực trạng này, ông Phan Hữu Thắng cho
biết, để ổn định và phát triển thị trường bất động sản du lịch thì nhất
thiết phải sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách, đặc biệt là các chính
sách về tiền tệ, tín dụng để bình ổn sự bất định hiện nay của thị trường
bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng.