Doanh nghiệp bất động sản vẫn đang thấp thỏm chờ đợi những biện pháp cụ thể hơn để hỗ trợ thị trường. Ảnh MN
Tin tốt đầu tiên có thể kể đến trong những ngày gần đây là việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02, hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu, diện tích căn hộ các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội.
Theo đó, các trường hợp được điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội là những dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc đã được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ, mục đích sử dụng nhà ở không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, bộ cũng thống nhất cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ đối với các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, việc chia nhỏ diện tích căn hộ phải tuân thủ một số yếu tố như sau: Căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải có đủ không gian, diện tích sử dụng tối thiểu; Có diện tích căn hộ sau khi chuyển đổi không thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu thiết kế nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở, …
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22/4 tới đến hết ngày 31/12/2014. Có lẽ đây là một trong những chính sách mà các chủ đầu tư đang mong đọi nhằm cụ thể hóa giải pháp “phá băng” cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, việc chia nhỏ liệu có là sáng kiến để giải cứu thị trường khi mà vẫn chưa có một cuộc điều tra hay khảo sát nào về nhu cầu của người mua. Vẫn chưa ai biết được có bao nhiêu người đang cần căn hộ có diện tích nhỏ. Thêm vào đó, nếu chia nhỏ căn hộ thì liệu dự án có đáp ứng đủ tiện ích về không gian công cộng dành cho cư dân và vị trí dự án nếu không phù hợp thì có chia nhỏ liệu đã thu hút được người mua?
Một thông tin khác cũng được xem là tin vui đối với các chủ dự án đó là vào ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ.
Theo nội dung dự thảo, các ngân hàng thương mại nhà nước phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp, các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất và thời hạn phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 5 ngân hàng thương mại nhà nước để cho vay các đối tượng nêu trên với lãi suất 6% thông qua hình thức tái cấp vốn. Thời hạn cho vay đối với cá nhân thuê, mua nhà là tối thiểu 10 năm, riêng với doanh nghiệp là 5 năm. Dự kiến, vào khoảng giữa tháng 4 tới, gói hỗ trợ này sẽ được áp dụng.
Nếu gói hỗ trợ trên được thông qua, thì không những người mua nhà được lợi mà các doanh nghiệp bất động sản cũng có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án một cách có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều boăn khoăn nhất ở đây là thủ tục cho vay như thế nào, thế chấp tài sản ra sao và cả việc chứng minh thu nhập để được vay vốn cũng là một vấn đề không dễ dàng.
Dù những thông tin hỗ trợ thị trường phần nào đem lại hy vọng cho các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng, tính đến thời điểm hiện tại các phương pháp vẫn chưa rõ ràng và chưa có một lộ trình cụ thể. Những giải pháp đang được triển khai chỉ góp phần xoa dịu thị trường chứ chưa thể làm thị trường hồi phục ngay được. Bởi vì, bất động sản đã rơi vào khó khăn quá lâu, hàng tồn kho lên tới hàng vạn căn nhà, hàng triệu m2 đất nền. Bên cạnh đó, niềm tin của người mua vào thị trường đang bị giảm sút nghiêm trọng. Cho nên, muốn thị trường phát triển trở lại phải cần thêm thời gian để gỡ rối cho từng phân khúc, làm ấm từng phần rồi mới nghĩ đến chuyện vực dậy toàn thị trường và có lẽ để thị trường khởi sắc trở lại như thời hoàng kim thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tiếp tục chờ đợi.