Để tự cứu mình, nhiều nhà đầu tư thứ phát, dân đầu cơ BĐS phải chấp nhận cắt lỗ, bán sản phẩm với giá rất rẻ. Việc này đã đẩy các chủ đầu tư dự án vào thế khó, khách hàng của mình lại trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Theo đó, chủ đầu tư BĐS đã khó nay càng khó hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS, đây lại là tín hiệu tốt đối với thị trường BĐS và là cơ hội cho nhiều người muốn mua nhà. Xung quanh vấn đề này, PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Cường, UVBCH Hiệp hội BĐS Việt Nam, chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.

Cắt lỗ, phá giá?

Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã tung ra các chương trình bán phá giá, cắt lỗ…Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Hiện nay đúng là có hiện tượng các nhà đầu tư thứ cấp đang bán tháo sản phẩm để trả nợ. Những nhà đầu cơ, nhà đầu tư thứ phát này đã không dự đoán được các biến động của thị trường, không dự đoán được sự đi ngang, tụt dốc của thị trường BĐS.

Bản thân các nhà đầu tư từ khi đi xin dự án cho đến xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng, bàn giao cho khách hàng cũng mất mấy năm, nghĩa là kỳ vọng lợi nhuận của họ là dài. Trong đó, kỳ hạn để đi vay lãi suất ngân hàng lại rất ngắn hạn, do vậy trong quá trình triển khai dự án, thời gian vay tiền để làm dự án các giai đoạn đầu đã đầu tư hết và để có tiền đáo hạn ngân hàng, các chủ đầu tư phải đập chỗ nọ, vá chỗ kia mới có thể tiếp tục được.


Ông Nguyễn Hữu Cường.

Cho nên, chỉ cần một tác động làm cho guồng quay của dòng tiền dừng lại, sẽ ngay tức thì nhận được hậu quả xấu như bây giờ. Để có thể tồn tại, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải đi vay mượn tiền để mua sản phẩm với kỳ vọng sẽ có lợi trong tương lai. Những người đó đang rơi vào thảm cảnh đến kỳ hạn trả nợ nhưng không có tiền, do đó bắt buộc phải bán tống, bán tháo, bán lỗ để lấy tiền trả nợ. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cắt lỗ, phá giá như hiện nay.

Việc các nhà đầu tư thứ phát đang bán phá giá các sản phẩm BĐS như vậy có ảnh hưởng như thế nào tới thị trường BĐS? Liệu có làm rối thị trường này hay không, thưa ông?

Những chủ đầu tư thứ cấp nào phải vay lãi ngân hàng, không chịu được áp lực từ ngân hàng, phải chấp nhận bán lỗ vốn, bán phá giá, cắt lỗ... để lấy tiền trả nợ. Việc hạ giá như thế làm cho người có nhu cầu thật về nhà ở, có cơ hội mua được những căn nhà tốt với mức giá rẻ... Tôi cho rằng, đó là những tín hiệu tốt đối với thị trường BĐS, có lợi cho người tiêu dùng.

Cơ hội để mua nhà giá rẻ?

Theo ông, có thể rút ra được những bài học gì từ thực tế trên?

Hiện nay những dự án ở vị trí đẹp, có diện tích nhỏ và vừa và giá dưới 20 triệu/1m2 không có đủ để bán. Điều đó khẳng định một điều, không phải dự án nào cũng bị "chết". Chủ đầu tư tạo lập ra thị trường BĐS, phân phối ra cho khách hàng đã không thẩm định, điều ra nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng, phân loại đánh giá đến nơi đến chốn... dẫn tới việc hiện nay dư thừa rất nhiều hàng hoá diện tích lớn, giá cao. Trong khi đó những dự án diện tích nhỏ, giá thấp thì không có bán.

Có nhiều chủ đầu tư đã "treo đầu dê, bán thịt chó" khi quảng cáo rất hay, mật độ cây xanh, thảm cỏ, mật độ công trình phúc lợi... đầy đủ nhưng khi khách hàng đến ở lại không có, điều đó đã làm giảm sút niềm tin của họ. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính hoàn thiện tới cùng dự án của mình, điều đó cũng làm mất niềm tin của người mua.

Đối với nhà đầu tư thứ cấp, đây cũng là bài học để thấy rằng, thời đầu tư "lướt sóng" của BĐS không còn nữa, nếu như không phải sản phẩm, của cải của mình mà lại đầu tư sẽ dẫn tới nhiều hậu quả xấu. Đó là bị "chôn" tiền vào những dự án không đầu không cuối, rồi vỡ nợ, thua thiệt...

Đối với khách hàng trước khi quyết định đầu tư thì cần phải tìm hiểu thế nào là một dự án tốt, phù hợp với tài chính của mình, thế nào là chủ đầu tư có tiềm năng về tài chính, chuyên môn...

Là một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, theo ông, người dân có nên ham rẻ mà mua những sản phẩm phát mại, cắt lỗ giá rẻ như hiện nay không?

Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để cho những người có tiền mua lại những sản phẩm BĐS giá rẻ. Do đó, người dân nếu có tiền hoàn toàn có thể đầu tư mua những sản phẩm này. Tất nhiên, trước khi quyết định mua bán, mọi người nên tham khảo chuyên gia trong lĩnh vực BĐS để quyết định có nên rút tiền từ ngân hàng để mua nhà giá rẻ hay không.

Theo Người đưa tin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.