Thị trường bất động sản khó khăn khiến các doanh nghiệp nghĩ ra nhiều chiêu "tự cứu". Ảnh MN
Những “phát súng” mở màn cho phong trào này có thể kể đến Tổ hợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, Khu nhà ở thương mại cao tầng đô thị Sông Đà tại quận Hà Đông của Songda Urban, Khu đô thị mới Trung Văn của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội và một dự án của Công ty Cổ phần Thiết bị vật tư Du lịch. Các dự án này đều nằm ở phía Bắc.
Việc chuyển đổi công năng dự án nếu được phê duyệt sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt một phần áp lực về tài chính vì doanh nghiệp sẽ được hưởng một số ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế và các ưu đãi khác.
Tại thị trường phía Nam, việc chuyển đổi công năng dự án dường như ít diễn ra, chỉ có một số dự án chuyển đổi công năng để bán cho UBND Thành phố nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư hoặc một số chủ đầu tư xin chuyển đổi diện tích căn hộ từ lớn sang vừa và nhỏ nhằm bắt kịp nhu cầu của người mua.
Những doanh nghiệp không “mặn mà” với việc xin chuyển công năng dự án, tự chọn cho mình một lối đi khác đó là tung chiêu “độc” để tạo nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Mới đây, Công ty địa ốc Đất Lành vừa đưa ra thử nghiệm cho thuê 22 căn hộ thuộc chung cư Thái An tại quận 12, Tp.HCM. Mỗi căn hộ cho thuê có diện tích 22 m2. Người thuê sẽ đưa cho chủ đầu tư khoản tiền 200 triệu đồng và có quyền sống trong căn hộ đó từ 6 tháng đến 2 năm. Hàng tháng người thuê không phải đóng tiền nhà mà chỉ đóng phí quản lý chung cư và tiền giữ xe. Nếu sau khoảng thời gian nêu trên, khách hàng không muốn ở nữa thì sẽ được trả lại toàn bộ tiền cọc và nếu muốn mua căn hộ thì thương lượng với chủ đầu tư. Dù chưa xác định được hiệu quả như thế nào nhưng có nhiều ý kiến đánh giá đây là một chiêu huy động vốn khá “khôn ngoan” của chủ đầu tư.
Một chiêu thức khác cũng “độc” không kém mà hiện nay đang được các chủ đầu tư tận dụng đó là tiếp thị địa ốc ngoài đường phố. Không khó để bắt được hình ảnh những nhân viên môi giới đứng phát tờ rơi bán nhà đất tại các ngã tư. Dù tỷ lệ người xem và quan tâm đến những thông tin dạng này chỉ là 1/10 nhưng với tâm lý “có còn hơn không” nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến hình thức này.
Riêng với một số dự án đã chào bán ra thị trường trong thời gian khá lâu nhưng vẫn không bán được hàng, các chủ đầu tư liền “phù phép” đổi tên dự án.
Một số dự án được “thay tên đổi họ” có thể kể đến là Phúc Thịnh Tower (tên cũ là tòa CT2A Tân Tây Đô) do Công ty Hải Phát làm chủ đầu tư. Hay, dự án 27 Trường Chinh (tên cũ là Kim Tâm Hải) do Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư. Chiêu “Bình mới, rượu cũ” này ít nhiều tạo được sự thu hút của người mua nhưng có bán được hàng hay không thì còn tùy ở giá bán và vị trí, tiến độ dự án cũng như cách thức bán hàng của chủ đầu tư.
Dù đã tìm đến trăm phương ngàn kế nhưng nhìn chung thị trường địa ốc những ngày đầu năm 2013 vẫn chưa xuất hiện tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng rằng thị trường năm 2013 sẽ cải thiện hơn và sự cải thiện của thị trường phụ thuộc rất nhiều vào bản thân của các doanh nghiệp.
Nói như tiến sĩ Trần Kim Chung thì các doanh nghiệp cần phải tìm lối ra phù hợp với bản thân mỗi doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp đã bước ra khỏi tình trạng khó khăn cần triển khai tích cực các dự án có khả năng thanh khoản. Đối với những doanh nghiệp đang khó khăn cần chấp nhận loại bỏ những dự án kinh doanh khó khăn, tiếp đến là lựa chọn các dự án các sản phẩm có khả năng hiện thực hóa. Một yếu tố quan trọng nữa là cần tìm các đối tác có năng lực tài chính để tiến hành chuyển giao dự án hoặc sáp nhập doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội mới trước khi bị thâu tóm.
Như vậy, việc các doanh nghiệp phải năng động để thoát khỏi khó khăn là điều tất yếu. Dù bằng cách nào đây cũng là một tín hiệu rất tích cực. Đã hết cái thời người người mua phải chờ chực để mua nhà ở hay đất nền với giá chênh lệch lớn so với giá gốc. Bất động sản đang dần về với giá trị thực của nó.