24/10/2012 7:31 AM
Với tình hình kinh tế như hiện nay, những khó khăn của thị trường bất động sản nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2013. Nhận định trên được hầu hết các chuyên gia, chủ đầu tư đưa ra tại buổi tọa đàm về triển vọng của thị trường bất động sản, do một đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 23/10.

Thị trường hiện nay đang thuộc về người mua, trong khi chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp gặp rất nhiều khó khăn do thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng.

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính đến cuối quý 3/2012, tính thanh khoản của thị trường bất động sản Hà Nội và Tp.HCM vẫn rất thấp, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường chỉ khoảng 5 -7%, so với tổng nguồn cung căn hộ bán ra khoảng 111.500 căn tại cả hai thành phố.

Thực tế là doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin từ người tiêu dùng cũng như các đối tượng tham gia thị trường. Điều đó được biểu hiện qua số lượng căn hộ tồn kho quá lớn, trong khi nợ xấu đang rất cao. Trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn mới lại rất khó khăn, nên không ít doanh nghiệp không có vốn để tái cơ cấu cũng như duy trì kinh doanh.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Tất Thắng thì dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có hàng loạt doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì đói vốn.

Với tư cách là chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest) cho rằng, chừng nào hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định, tái cấu trúc hoàn chỉnh thì chừng đó mới mong dòng vốn tái đổ vào bất động sản.

“Ngân hàng vốn được xem như một quả tim trong cơ thể, nên chỉ khi tái cơ cấu thành công thì mới có một quả tim khỏe mạnh, có thể bơm máu đi nuôi cơ thể được. Hiện chúng tôi đang có một vài dự án nhưng phải chờ đến cuối năm 2013 may ra mới khởi động được. Còn trong giai đoạn này chỉ tính làm sao tồn tại, cầm hơi được là tốt lắm rồi”, ông Hiệp nói.

Thừa nhận doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, do muốn trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp, nên đã xin phép vắng mặt buổi họp Quốc hội để tham dự buổi tọa đàm.

Ông nói, trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, cơ quan này nhìn nhận, nếu không có những biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản thì sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn, kéo theo cả dây chuyền khó khăn đối với hàng chục ngành, nghề và lĩnh vực khác.

“Ủy ban Kinh tế chúng tôi vừa có cuộc khảo sát tình hình tại một số đơn vị, địa phương. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng hiện tồn kho hàng trăm căn hộ, hàng triệu viên gạch, hàng trăm tấn thép..., thậm chí bán giá rẻ cũng không ai mua. Hiện nay, theo tôi được biết, có khoảng 86 ngành nghề có liên quan đến bất động sản, nếu tháo gỡ khó khăn cho bất động sản thì hàng chục lĩnh vực khác cũng sẽ bớt được khó khăn”.

Trong khi đó, theo ông Leon Cheneval, Giám đốc điều hành Công ty Cushman & Wakefield, trong cả năm 2013, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn. Thị trường hiện nay đang thuộc về người mua, trong khi chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp gặp rất nhiều khó khăn do thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng.

Một số ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, khó khăn hiện nay của thị trường có nguyên nhân không nhỏ từ chính các chủ đầu tư khi đã định ra một chiến lược đầu tư không phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng chi trả của thị trường. Minh chứng là phần lớn lượng hàng tồn kho của bất động sản hiện nay đều thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, có diện tích lớn và biệt thự hạng sang... Còn những căn hộ có diện tích nhỏ, vừa phải thì thanh khoản vẫn tốt.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Khoa (Công ty Tân Hoàng Minh), lỗi đó không hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, bởi rất nhiều dự án hiện nay, khi được phê duyệt phải phù hợp với quy hoạch của khu vực đó cũng như phải đáp ứng được tiêu chuẩn về mật độ dân số, hạ tầng do cơ quan quản lý địa phương quy định.

“Một dự án được vài nghìn m2 và cơ quan quản lý quy định là chỉ được vài trăm hộ dân, mật độ chỉ ngần này thì thử hỏi doanh nghiệp làm sao xây căn hộ diện tích nhỏ để bán được. Nếu xây nhỏ sẽ tăng mật độ dân số khu vực đó lên, lại bị cơ quan quản lý tuýt còi”, ông Khoa nói.

Thông tin về định hướng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới, ông Trần Văn Tần (Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước) cho hay, trong năm tới, mặc dù tín dụng cho bất động sản hạng sang, văn phòng cho thuê vẫn tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng ngân hàng vẫn sẽ mở hầu bao đối với các dự án sắp hoàn thiện, nhà ở xã hội...

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp bất động sản, thông qua việc bỏ “hạ mức tín nhiệm” đối với các doanh nghiệp có dư nợ nhưng chưa trả được. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thuộc diện trên hiện đều được gia hạn, giãn nợ và xem xét cho vay tiếp.

Theo Nguyên Trang (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.