Đầu tư nhiều khiến bất động sản rơi vào tính trạng khát vốn, đang trông chờ dòng vốn ngoại. Ảnh: Minh Nguyệt
Bất động sản khát vốn
Chính sách siết chặt tín dụng bất động sản và sự khó khăn chung của nền kinh tế làm cho thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “khát vốn”. Hàng loạt dự án bất động sản buộc phải ngừng hoặc hoãn thi công do không thể vay được vốn từ ngân hàng hoặc không thể chịu được lãi quá cao. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “sống dỡ, chết dỡ” khi phải bỏ hàng nghìn tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng rồi không thể triển khai được dự án do thiếu vốn. Ngay cả đối với những dự án căn hộ đã hoàn tất vẫn gặp nhiều khó khăn khi không thể bán được. Với hiện trạng này, nhiều doanh nghiệp phải “còng lưng” trả lãi trong khi không bán được hàng.
Minh chứng rõ ràng cho điều
này là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết lao dốc.
Thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 của 70 doanh nghiệp bất động sản
niêm yết cho thấy doanh thu trung bình của 70 doanh nghiệp giảm gần 50%, còn lợi
nhuận giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều “đại gia” bất động sản doanh
thu và lợi nhuận sụt giảm rất mạnh như CTCP Đầu Tư & Công Nghệ Tân Tạo
(ITA), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) …
Gần đây ngày càng nhiều doanh nghiệp không chịu nổi lãi suất và áp lực trả nợ đến hạn đã phải hạ giá bán căn hộ, đất nền. Làn sóng này đang ngày càng lan rộng trong cả nước. Trên mạng ngày càng xuất hiện nhiều thông tin nhà đầu tư rao bán căn hộ, đất nền với mức giá thấp hơn cả giá gốc. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản sắp rơi vào một giai đoạn giảm giá thực sự sau một thời gian cố gắng cầm cự.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ra một số chính sách nhằm giải tỏa phần nào áp lực cho thị trường. Ngày 14/11, NHNN ban hành văn bản số 8844/NHNN-CSTT. Nội dung đáng chú ý của văn bản này là việc loại trừ 4 nhóm nhu cầu vay thuộc lĩnh vực bất động sản ra khỏi rổ tín dụng phi sản xuất tính tỷ trọng trong tổng dư nợ. Nhờ có quy định này nhiều ngân hàng thoát khỏi “vòng kim cô” tỷ trọng tín dụng phi sản xuất giảm về 16% vào cuối năm. Hoạt động cho vay mua nhà cũng được nới ra nhiều so với trước.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành chỉ thị Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Theo đó, Chính phủ khuyến khích việc cho vay đối với những dự án có thể hoàn tất trong năm 2012 và cho vay đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, cho vay mua nhà để ở …
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 2 chính sách quan trọng liên quan đến bất động sản được ban hành. Nhiều người kỳ vọng nó sẽ giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường bất động sản. Dù vậy, cho đến này các tín hiệu tích cực vẫn chưa xuất hiện. Sự khó khăn của bất động sản ngày càng tăng thêm.
Vẫn chưa hấp dẫn được vốn đầu tư nước ngoài
NHNN dự kiến, trong năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%. Mức tăng trưởng này cao hơn năm 2011 nhưng vẫn là mức rất thấp so với trước đây. Không những vậy, tín dụng cho bất động sản vẫn tiếp tục bị siết lại. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự khan hiếm dòng tiền cho thị trường này vẫn chưa sớm được giải tỏa.
Ngoài ra, nhiều đánh giá cho
rằng nguồn cung bất động sản hiện này đang quá lớn. Theo ước tính, hiện cả nước
có khoảng 200.000 căn hộ tại các dự án còn đang trong quá trình xây dựng, trong
đó Tp.HCM có khoảng 50.000 căn. Giả sử giá bình quân mỗi căn hộ khoảng 2 tỷ đồng,
thì tổng giá số căn hộ này vào khoảng 400.000 tỷ đồng, gần gấp đôi tổng dư nợ bất
động sản của hệ hống ngân hàng hiện nay. Nghiên cứu thị trường của công ty
Cushman & Wakefield cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2011 đã có khoảng
13.000 căn hộ tham gia thị trường Tp.HCM và số lượng này có thể đáp ứng nhu cầu
của thị trường trong 3 năm tới. Như vậy, chỉ cần tính riêng số tiền tiêu thụ
cho căn hộ thì nguồn tiền trong nước khó đáp ứng được.
Mới đây, NHNN cho biết lượng kiều hối của Việt Nam năm 2011 vào khoảng 9 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiều đánh giá cho rằng một tỷ lệ lớn lượng tiền này gửi về nước để đầu tư, trong đó có bất động sản. Đây có thể là một “cứu cánh” cho thị trường trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhiều người còn kỳ
vọng dòng vốn FDI hay FII sẽ đổ vào bất động sản trong thời gian tới vì nhiều
đánh giá cho rằng bất động sản Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Tuy nhiên, kỳ
vọng này đang gặp phải trở ngại rất lớn trước khi trở thành hiện thực.
Vốn FDI đăng ký đầu tư vào vào lĩnh vực này chỉ đạt hơn 464 triệu USD. Đây là con số thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Trước đó, năm 2008, vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 23 tỷ USD, năm 2009 là 21,48 tỷ USD, năm 2010 là 6,8 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng dòng vốn đầu tư nước ngoài đang khá dè dặt với thị trường bất động sản Việt Nam.
Hiện tại, giá bất động sản Việt Nam được xem là đang ở mức quá cao, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân. Nhiều dự báo cho rằng bất động sản có thể còn tiếp tục giảm 20-40% trong thời gian tới. Hơn nữa, nguồn cung bất động sản hiện nay đang vượt quá cầu của những người có khả năng chi trả. Đặc biệt, nhiều dự báo còn cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục trải qua một giai đoạn khó khăn nữa. Không những vậy, mới đây trong báo cáo của mình rất nhiều tổ chức nước ngoài bày tỏ sự “thất vọng” với nền kinh tế và chính sách của Việt Nam. Điều đó cho thấy, bất động sản rất khó hấp dẫn được nhiều vốn đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế thì bất động sản sẽ trở nên hấp dẫn khi giảm xuống mức giá nhất định. Vì vậy, có thể xuất hiện làn sóng vốn đầu tư nước ngoài mua lại các dự án với “giá bèo”. Đây cũng là hiện tượng thường thấy ở các nền kinh tế sau khi gần kết thúc một đợt khủng hoảng.