Nhà ở sinh viên thiếu vốn nên bỏ hoang nhiều năm. Đề xuất chuyển nhà ở sinh viên bỏ hoang thành nhà ở xã hội chưa thực hiện được vì Hà Nội và Bộ Xây dựng không thống nhất được quan điểm.

2 khối nhà ở sinh viên bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí lớn. Ảnh: Như Ý.

Hà Nội và Bộ Xây dựng “bất đồng” quan điểm

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai – Hà Nội) có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) cao 19 tầng, nhưng do thiếu vốn nên khối nhà A2, A3 bị bỏ hoang nhiều năm dù đã hoàn thiện xây thô. Trước sự lãng phí này, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.

Doanh nghiệp được giao có trách nhiệm hoàn trả phần kinh phí nhà nước đã đầu tư cho hạng mục nhà A2, A3, khoảng 340 tỷ đồng, để có nguồn trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5, A6 (khoảng 233,8 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư của toàn dự án nhà ở sinh viên này là gần 1.500 tỷ đồng được trích từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội do không bố trí được tiếp nguồn vốn nên dự án đang dang dở.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội tại Thủ đô rất lớn. Tính đến năm 2015, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội chỉ đạt 361.443 m2/811.936 m2 kế hoạch. Phần diện tích còn thiếu phải chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Dù khẳng định nhà ở thiếu song, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội không cho phép chuyển đổi nhà ở sinh viên Pháp Vân- Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) thành nhà ở xã hội.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn. Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương chuyển đổi nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn TPCP thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư. Vấn đề thứ 2 là đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình. Kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… cần được tính toán phù hợp.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ nghịch lý: Sinh viên thì luôn luôn cần nhà nhưng tại sao loại hình bất động sản nhà ở sinh viên lại ế không phải bán mà chỉ cho thuê thôi cũng ế.

“Ở đây cũng đặt ra câu hỏi rằng, lúc làm dự án chủ đầu tư có nghiên cứu gì không? Đây là đầu tư bằng tiền nhà nước, đầu tư không hiệu quả thì nhà nước chịu. Đặt ra như vậy để thấy rằng, còn có vấn đề đạo đức công vụ ở đây. Khi nói đến đầu tư công cần phải nhấn mạnh cái đó để tăng cường kiểm soát” , ông Liêm đặt vấn đề.

Sinh viên vào rồi lại phải ra

Dự án khu nhà ở dành cho sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cung ứng 22 nghìn chỗ ở cho sinh viên, được coi là dự án có quy mô lớn nhất trong loại hình nhà ở này. Khởi công từ năm 2009, đến tháng 1/2015, ba khối nhà đã được đưa vào sử dụng, với 1.350 phòng, 10.800 chỗ ở.

Mỗi tòa nhà đều được bố trí thang máy, chỗ để xe tại tầng hầm, tầng một có thư viện, phòng y tế, nhà ăn tập thể, quầy giải khát... Từ tầng hai đến tầng 19, mỗi tầng đều bố trí một phòng sinh hoạt chung và từ 20 đến 30 phòng ở. Mỗi phòng ở có diện tích gần 40 m2, trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cho thuê phòng một triệu 640 nghìn đồng cho tám người, tương đương 205 nghìn đồng/người/tháng, rẻ hơn rất nhiều so các khu nhà trọ riêng lẻ do người dân tự xây dựng trong các khu dân cư. Thành phố hy vọng khi đưa vào sử dụng sẽ khắc phục tình trạng thiếu chỗ ở cho học sinh, sinh viên tồn tại từ nhiều năm nay trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn ba năm đưa vào hoạt động, số lượng học sinh, sinh viên vào ở rất thấp.

Nhiều sinh viên sau khi vào đây ở đành phải chuyển ra ngoài vì nhiều bất cập. Anh Nguyễn Văn Hòa, sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, tâm lý chung của sinh viên là muốn ở gần trường để tiện đi lại, học tập, tìm việc làm thêm, nhưng khu nhà ở cho sinh viên nằm cách khá xa các trường đại học, được bố trí biệt lập trong góc khu đô thị, thiếu sự giao lưu, gắn kết với cộng đồng dân cư. Hơn nữa, khu vực này buổi tối vắng người qua lại, khiến sinh viên không dám đi ra ngoài vì e ngại an ninh không bảo đảm. Vì thế, không ít sinh viên chỉ ở một thời gian ngắn, sau đó chuyển ra ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, đến nay chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (giai đoạn 2009-2015) đã có 89/95 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Các dự án đã cung cấp chỗ ở cho khoảng gần 220.000 sinh viên, còn lại 6 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 83%.

Ngọc Mai (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.