Theo phản ánh của bà Đoàn Thị Nhành và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Chống sạt lở kênh Thanh Đa, đoạn 1.4 phường 27, quận Bình Thạnh thì việc giải tỏa, đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân còn thiếu công bằng và không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về đất đai.

Một số hộ dân chưa di dời do đơn giá đền bù chưa thỏa đáng?

“Bất nhất” trong đền bù, giải tỏa

Nguồn gốc nhà, đất của bà Đoàn Thị Nhành tại số 17/176 Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh nhận chuyển nhượng của ông Võ Thành Chơn từ tháng 11/1990. Từ đó đến nay, gia đình bà sử dụng ổn định liên tục, không tranh chấp và có tờ khai năm 1999, hàng năm đều đóng thuế nhà đất cho Nhà nước.

Ngày 29/11/2011, UBND quận Bình Thạnh ban hành Quyết định số 12548/QĐ-UBND về việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng toàn bộ căn nhà và đất của gia đình bà để thực hiện Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa, đoạn 1.4 tại phường 27 (dự án) với đơn giá đền bù hỗ trợ bằng 30% đơn giá đất ở.

Thấy trong cùng một khu vực bị giải tỏa nhưng UBND quận Bình Thạnh lại căn cứ vào việc đất đai có đăng ký kê khai theo Chỉ thị số 299/TTg để áp dụng đền bù 100% đất ở, bà Nhành và một số hộ dân cho rằng có sự không công bằng trong việc đền bù giải tỏa và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

“Đất của gia đình tôi khi đền bù địa phương nói không có tờ khai theo Chỉ thị 299/TTg nên không được đền bù 100% giá đất ở, trong khi tờ khai theo Chỉ thị 299/TTg chẳng thấy địa phương thông báo gì cho chúng tôi biết để kê khai. Việc Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án chúng tôi hoàn toàn đồng ý và chấp hành, tuy nhiên khi thực hiện đền bù, UBND quận lại áp dụng chính sách không công bằng...”, bà Nhành bức xúc.

Hoàn cảnh tương tự, chị Lưu Mai Trâm (số nhà 7/9 Thanh Đa) chia sẻ: “Nhà tôi mua lại của người khác bằng giấy tờ sang tay trước năm 2001, nhưng nguồn gốc đất thuộc một phần thửa số 15, tờ bản đồ số 1, loại đất thổ cư.

Theo xác nhận của UBND phường 27 thì nhà, đất nêu trên do bà Trần Thị Năm xây dựng từ năm 1990. Thế nhưng khi UBND quận Bình Thạnh áp dụng tính đền bù hỗ trợ di dời thực hiện dự án, gia đình tôi chỉ được đền bù 30% giá đất ở, trong khi nhà bên cạnh lại được 100%?”.

Áp dụng chính sách chưa phù hợp

Qua tìm hiểu được biết, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thực hiện theo Phương án bồi thường số 118/PABT-UBND ngày 1/4/2011 đã được Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh phê duyệt tại Quyết định 5516/QĐ-UBND ngày 19/4/2011.

Cụ thể, việc xác định các loại đất, thời điểm sử dụng đất, thời điểm thay đổi mục đích sử dụng đất, thời điểm tạo lập nhà, công trình để làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ về đất, UBND quận Bình Thạnh dựa vào bản đồ 299; bản đồ địa chính chính quy đo vẽ năm 2002…

Do đó, những trường hợp được bồi thường 100% đơn giá đất ở là những trường hợp có nguồn gốc đất do cá nhân đăng ký sử dụng đất theo Chỉ thị 299/TTg, chuyển mục đích làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 hoặc từ sau ngày 25/10/1993 đến trước ngày 22/4/2002 và sử dụng liên tục đến thời điểm bị thu hồi, áp dụng theo Điều 8 và Điều 15 của Phương án bồi thường.

Các trường hợp được hỗ trợ 20 - 30% đơn giá đất ở là những trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm, lấn chiếm kênh, sông, rạch theo bản đồ 299 và bản đồ địa chính chính quy phường 27 làm nhà ở từ trước ngày 15/10/1993.

Tuy nhiên, theo Văn bản số 3660/STP-VB ngày 19/9/2013 của Sở Tư pháp TP HCM kiến nghị với UBND thành phố về áp dụng bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp, đất khai hóa do UBND cấp xã, tập đoàn, hợp tác xã đăng ký theo Chỉ thị 299, thì: “Đối với các hộ dân sử dụng đất ổn định, lâu dài tới thời điểm bị thu hồi đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp, đất hoang hóa từ trước khi triển khai Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980, nhưng người dân không tiến hành đăng ký mà UBND cấp xã, tập đoàn, hợp tác xã đứng ra đăng ký (hoặc không có đối tượng đăng ký sử dụng đất) sau đó vẫn được người dân sử dụng cho đến khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất thì đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 45 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ”.

Căn cứ theo văn bản này thì các trường hợp nhà dân ở dự án có nguồn gốc tạo lập trước ngày 15/10/1993, có tờ khai nhà đất năm 1999, sử dụng ổn định trong thời gian dài có đủ điều kiện để được hưởng chế độ bồi thường theo quy định.

Được biết, đến nay vẫn còn 22 hộ dân thuộc dự án chưa di dời giải tỏa mặt bằng vì không chấp thuận giá đền bù đất của UBND quận Bình Thạnh. Trong số đó có nhiều hộ dân đã khởi kiện hành chính đến TAND quận Bình Thạnh đối với quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND quận Bình Thạnh. Mong rằng, TAND quận Bình Thạnh sẽ có phán quyết công bằng, đúng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.

Đặng Chung (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.