Việc chậm trễ cải tạo chung cư cũ, nhà xuống cấp khiến nhiều hộ dân luôn phải sống trong thấp thỏm, bất an. Chính quyền địa phương canh cánh lo lắng trước vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân khi mùa mưa bão đến.

Nhiều nỗi lo trong mùa mưa bão

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP có hơn 1.500 tòa tập thể cũ phân bố tại hàng trăm khu khác nhau, xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1980. Kết quả kiểm định hiện có 5 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D, phải di dời dân gồm: Đơn nguyên 1, 3 G6A phường Thành Công; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 3 Tập thể Bộ Tư pháp phường Cống Vị; đơn nguyên 3 C8 Khu tập thể Giảng Võ; 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ. Tuy nhiên, trên thực tế có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các tòa nhà sau khoảng 40 - 50 năm sử dụng, nay đã bị xuống cấp một cách toàn diện, thậm chí nhiều tòa nhà đang ở mức nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân cần sớm di dời.

Nhà G6A, tập thể Thành Công, bị nghiêng tách rời hai đơn nguyên.

Bất an là tâm trạng của hơn 50 hộ dân tại khu nhà A7, tập thể Tân Mai, (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) bởi đang hàng ngày phải sống trong tòa nhà nghiêng, lún, nứt. Ông Nguyễn Quang Gắng, trú tại phòng 203, nhà A7 cho biết, tòa nhà được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng. Năm 2010, tòa nhà có hiện tượng sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tại khu vực cầu thang.

Các ngành chức năng đã phải thực hiện gia cố khung sắt từ tầng 1 đến tầng 5 để chống đổ sập cầu thang. Nhưng theo thời gian tình trạng xuống cấp vẫn đang diễn ra. Hệ thống giàn giáo thép chống đỡ xuất hiện nhiều chỗ hoen gỉ tại những mối hàn, cong vênh. Nhà đang tiếp tục nghiêng kéo trần chiếu nghỉ cầu thang khu vực tầng 2 và các dầm đỡ bản thang tiếp tục tách xa bức tường chịu lực tạo ra khe hở ngày càng lớn. Toàn bộ kết cấu cầu thang từ tầng 1 đến tầng 5 đang dần bị nứt tách với khung chịu lực tòa nhà, các cấu kiện bê tông bị võng nứt…

“Mỗi khi có mưa gió lớn, tất cả các hộ dân, nhất là những hộ ở tầng trên đều thấp thỏm lo sợ nên chúng tôi đã phải trang bị thêm loa tay để kịp thời phát cảnh báo khi có sự cố” - ông Gắng nói.

Tương tự, khu tập thể 3 tầng tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Ðông) có 4 dãy nhà, được đưa vào sử dụng từ năm 1976 và phần lớn đã được bán cho các hộ dân theo Nghị định 61/CP. Sau gần 50 năm sử dụng, hiện tường nhà nứt toác, vôi vữa bong tróc, cột chống lan can lộ ra cả cốt thép han gỉ bên trong, cầu thang vỡ nát... Hạ tầng kỹ thuật trong khu vực thiếu đồng bộ, xuống cấp. Hiện tượng úng ngập cục bộ thường xuyên xảy ra vào mùa mưa. Nguy hiểm nhất là hệ thống mái ngói bị ngấm dột, trần nhà bằng tre trát vữa đã bong tróc, mục nát không bảo đảm an toàn có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.

Tại nhà E6 Quỳnh Mai, ông Nguyễn Tiến Long, phòng 416 cho biết: “Tòa nhà chung cư lắp ghép cao 5 tầng này được xây dựng từ năm 1978. Đến nay, rất nhiều chỗ tường bị nứt, tróc lở trơ cả cốt thép bên trong gây nguy hiểm. Mỗi khi trời mưa, các mảng tường bị ngấm nước rơi xuống, đã có người dân ở khu này bị mảng tường rơi trúng người nên mỗi khi có mưa bão, người dân lo lắng vô cùng”.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho biết, việc hàng chục hộ dân với nhiều nhân khẩu đang sống trong nhà A7 xuống cấp nhiều năm là nỗi lo canh cánh của chính quyền địa phương, đặc biệt vào mùa mưa bão. Từ năm 2012 đến nay, quận đã có nhiều văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng trong đó đề nghị TP sớm giao chủ đầu tư có năng lực thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo khu tập thể cũ Tân Mai, trong đó có khu nhà A7.

Đặc biệt, mới đây UBND quận đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND phường Tân Mai tiến hành kiểm tra hiện trạng nhà A7 thấy được tòa nhà vẫn đang xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân trong mùa mưa bão, UBND quận tiếp tục đề nghị Sở Xây dựng tổ chức kiểm định an toàn chịu lực công trình tòa nhà A7 để có phương án xử lý hoặc di dời đến nơi tạm cư để bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định sinh hoạt cho người dân.

Sửa chữa ngay các khu nhà xuống cấp nghiêm trọng

Trải qua hàng chục năm sử dụng, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên phần lớn công trình nhà tập thể cũ đều xuống cấp nghiêm trọng, quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm, cơi nới không gian chung để tăng diện tích sử dụng gây ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực, chịu tải công trình, có nguy cơ mất an toàn cao.

Nhà tập thể E6 Quỳnh Mai tróc lở lan can, cột hành lang trơ lõi thép.

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các hộ gia đình đã tự ý làm lồng cheo, “chuồng cọp” đua ra ngoài bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, thép, tôn, thậm chí có những chiếc lồng sắt rộng vài chục mét vuông, lắp đặt các bể nước bằng inox, nhựa trên mái nhà. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu toàn công trình và có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của chính người sống tại các tòa nhà nếu xảy ra cháy nổ hay mưa bão lớn.

Từ thực trạng trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vào mùa mưa bão, chính quyền các địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con lên phương án phòng, chống đổ, sập nhà. Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho hay, trên địa bàn phường hiện có gần 100 dãy nhà tập thể cũ từ 2 - 5 tầng. Do đó, vào mỗi mùa mưa bão, UBND phường yêu cầu cán bộ địa bàn dân cư, tổ dân phố tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có lồng cheo, bồn nước, chậu hoa, các hạng mục tự ý cơi nới khác,... có biện pháp gia cố, chằng chéo và chủ động tháo dỡ các phần diện tích cơi nới không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm.

Chuyện về các khu nhà tập thể cũ xuống cấp, nguy hiểm, không mới. Nhưng mỗi khi mùa mưa bão đến, nhất là khi có sự cố nhà sập, nhà nghiêng, người dân càng lo lắng và mong muốn TP chỉ đạo quyết liệt hơn để các dự án cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn được nhanh chóng triển khai, bảo đảm người dân có chỗ ăn ở, sinh hoạt ổn định, đồng thời làm đẹp diện mạo đô thị. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để cải tạo nhà chung cư cũ, UBND TP Hà Nội giao Sở lập đề án rất bài bản đối với hơn 200 khu. Hiện đề án này đã trình lên UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng để rà soát các luật, gỡ vướng mắc giữa quy định của các luật khác nhau, xây dựng cơ chế rõ ràng, giải pháp tổng thể rồi thực hiện.

Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong thời gian chờ đợi một cơ chế hài hòa lợi ích ba bên, TP Hà Nội cần căn cứ quy hoạch chung, xem xét những khu tập thể, chung cư cũ nào nguy hiểm có thể triển khai tái thiết sớm, không nên đợi triển khai đồng loạt. Tất nhiên, cần kiểm định chi tiết, kỹ lưỡng về chất lượng công trình trước khi thực hiện.

"Vấn đề tái thiết nhà chung cư cũ đã được đặt ra nhiều năm qua ở Hà Nội, nhưng hầu như vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa có chính sách nào tạo ra sự hài hòa ba bên. Nếu không tìm ra được cơ chế tốt, qua thời gian, công trình ngày càng xuống cấp, người dân vẫn cố bám trụ sống, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nếu có sự cố sập đổ hậu quả sẽ khó lường và gây mất mỹ quan TP." - Nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm

  • Hà Nội: Rà soát đảm bảo an toàn nhà chung cư cũ

    Hà Nội: Rà soát đảm bảo an toàn nhà chung cư cũ

    UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 4995/UBND-ĐT, đôn đốc thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc bảo đảm an toàn, di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão.

Vũ Lê (Kinh tế & Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.