Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Christian Oestreich - Tổng giám đốc thị trường nước ngoài của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Schwabisch Hall (Đức) xung quanh vấn đề này.
Khái niệm về ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Với kinh nghiệm là một ngân hàng tiết kiệm nhà ở có thâm niên hoạt động trên 100 năm, xin ông chia sẻ về ý nghĩa của mô hình này?
Ông Christian Oestreich: Đối với tất mọi người thì mua nhà là một sự đầu tư lớn nhất trong cuộc đời. Chính vì vậy, khi đã tính đến chuyện mua nhà phải có phương án tài chính đảm bảo an toàn và tránh mọi rủi ro.
Do đó, vốn tự có để mua nhà phải được xác định là một phần rất quan trọng. Khi đã chuẩn bị được một số vốn tự có nhất định, theo tôi hãy nên tính đến chuyện vay bổ sung cho đủ nguồn vốn để mua nhà.
Khi ấy, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn bổ sung đó. Loại hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở này đã xuất hiện ở Đức, Áo và nhiều nước tại Châu Âu. Vai trò của ngân hàng tiết kiệm nhà ở là giúp người dân tạo dựng nguồn vốn để mua nhà.
Điểm đặc thù rất ưu việt của mô hình tiết kiệm nhà ở là số tiền người dân gửi vào ngân hàng này sẽ được nhân đôi và đó chính là phần người dân được vay để mua nhà.
Đặc biệt nữa là mức lãi suất của khoản vay sẽ được cố định trong cả một khoảng thời gian dài theo thời hạn của hợp đồng vay mua nhà đã ký giữa khách hàng với ngân hàng.
Không chỉ riêng tại Đức mà ở nhiều nước Châu Âu khác cũng vậy, đặc thù này rất quan trọng và được các ngân hàng tiết kiệm nhà ở duy trì thực hiện nên đã không chỉ giúp người dân tích lũy được tiền mà còn có nguồn kinh phí để mua nhà.
Yếu tố này cũng giúp thị trường nhà ở duy trì trạng thái ổn định. Hiện mô hình này không chỉ tồn tại ở Châu Âu mà đã được nhân rộng ra cả các nước khác và đang triển khai khá thành công tại Trung Quốc.
Để huy động được nguồn vốn phục vụ mục tiêu của ngân hàng tiết kiệm nhà ở thì cần có định chế tài chính đặc thù nào để thu hút thưa ông?
Ông Christian Oestreich: Ngân hàng tiết kiệm nhà ở cũng hoạt động bình đẳng trong hệ thống tín dụng, do đó cũng phải tuân thủ theo các phương thức như mọi tổ chức tài chính, tín dụng khác.
Tuy nhiên, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở có đặc thù riêng, là loại hình ngân hàng đặc biệt nên cũng cần có những quy định riêng. Các quy định đặc thù chính là các quy định tài chính nhằm bảo vệ nguồn tiền của người dân đóng góp và gửi vào ngân hàng.
Vì tham gia đóng góp nguồn vốn vào ngân hàng này chủ yếu là những người dân có mức thu nhập trung bình và thấp nên việc bảo toàn nguồn vốn lại càng được chú trọng đặc biệt.
Minh chứng rõ nét nhất là thời điểm năm 2008-09 khi Châu Âu xảy ra khủng hoảng về tài chính thì đã có rất nhiều người dân mang tiền gửi vào Ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Sở dĩ có hiện tượng này vì người dân biết được một điều chắc chắn là nếu tiền được giữ ở ngân hàng này thì hoàn toàn được bảo đảm chắc chắn. Khi ấy họ yên tâm vì bảo toàn được đồng vốn của mình.
Ông đánh giá thế nào về vai trò quản lý và hỗ trợ của Nhà nước đối với mô hình cũng như hoạt động của loại hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở?
Ông Christian Oestreich: Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Đặc biệt là trong việc đưa ra những quy định mang tính pháp lý và mang tính ổn định cao. Đây cũng chính là các định chế tài chính quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Cùng đó, Nhà nước còn đóng vai trò thúc đẩy, thu hút nguồn tiền tiết kiệm của người dân, đồng thời giúp họ có thể đủ kinh phí để mua nhà thông qua những khoản hỗ trợ cho người gửi và tham gia tiết kiệm tại ngân hàng này để mua nhà ở.
Tuy nhiên, bản thân người dân cũng không nên coi đây là quà tặng của Nhà nước, của Chính phủ mà nên chủ động đồng hành cũng ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Các cơ chế khuyến khích tiết kiệm để mua nhà ở sẽ giúp thị trường phát triển một cách năng động. Với nguồn thu thuế tăng từ giao dịch nhà ở, Nhà nước sẽ thu được các khoản thuế và dòng tiền này sẽ đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, trong đó có sự hỗ trợ ngược trở lại cho ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Trên thế giới, các mô hình tiết kiệm nhà ở cũng khá phong phú với hình thức quỹ mở, quỹ đóng... Với thị trường Việt Nam, theo ông nên lựa chọn hình thức nào cho phù hợp?
Ông Christian Oestreich: Tại Việt Nam, nếu soạn thảo và ban hành mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ giúp cho người dân tìm được sự lựa chọn đúng đắn của mình. Nếu sử dụng hình thức như các “quỹ đóng”, chỉ sử dụng dành riêng cho việc tiết kiệm tiền mua nhà sẽ bảo đảm được sự ổn định của hệ thống cũng như dòng vốn, theo đúng tôn chỉ mục đích.
Đặc biệt, với mức lãi suất ổn định trong suốt cả thời gian dài sẽ tạo sự yên tâm cho người dân. Tôi cho rằng nếu bạn là người chủ trong gia đình, khi ký một hợp đồng vay vốn mua nhà thì sẽ muốn biết cụ thể về nguồn và mức tài chính mà mình hàng tháng phải trả trong suốt quãng thời gian đó là bao nhiêu.
Từ đó, sẽ lên kế hoạch cụ thể về việc thu xếp chi trả. Thế giới luôn luôn biến động trong khi người mua nhà lại rất cần sự ổn định để biết và nhất là dự tính được mức lãi suất cho khoản vay mua nhà của họ nhằm có kế hoạch chi trả hợp lý trong tương lai. Và điều này họ đã tìm thấy ở ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Có sự rủi ro nào được cảnh báo sẽ ra với thị trường khi áp dụng mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở? Liệu có sự “lách khe” để lợi dụng chính sách ưu đãi từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở không, thưa ông?
Ông Christian Oestreich: Tôi nghĩ hoàn toàn không có rủi ro vì Nhà nước đã đưa ra các quy định của pháp luật, có cơ chế cùng hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn nhất định cho khách hàng tham gia ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Tại Đức, ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã có kinh nghiệm hoạt động hơn 100 năm. Người Đức nổi tiếng thế giới về sự cẩn trọng nhất là với những rủi ro. Nếu có thì họ đã không đem tiền đến gửi.
Từ xưa đến nay chưa có một ngân hàng tiết kiệm nhà ở nào bị mất khả năng chi trả, chưa thất thoát một đồng vốn nào. Thậm chí, ngân hàng này xuất hiện còn tốt hơn cho thị trường khi tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
Nhiều khi các ngân hàng thương mại còn hợp tác với ngân hàng tiết kiệm nhà ở bởi qua đó họ tìm kiếm được khách hàng để cho vay tín dụng. Sở dĩ có chuyện này vì đôi khi nguồn vốn được giải ngân từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay mua nhà của người dân thì họ vẫn phải vay thêm từ ngân hàng thương mại bên ngoài.
Khi đó, những khách hàng này cũng chính là đối tượng hướng tới rất tốt của các ngân hàng thương mại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!