Thực tế thì cũng đâu có gì phải ngạc nhiên về điều này! Thử nghĩ, khi bạn mua món đồ có giá từ 1 triệu đồng trở lên, nhà sản xuất cũng đã ghi hạn bảo hành, hay trên nhãn mác các mặt hàng tiêu dùng nhanh đều có ghi kèm hạn sử dụng, huống hồ một công trình có giá hàng ngàn tỷ đồng và liên quan mật thiết đến sự an toàn của nhiều người.
Hiện nay, đối với các công trình nhà ở, vấn đề được nhắc đến nhiều nhất vẫn là giá, chủ đầu tư vì thế mà tiến hành giảm giá căn hộ với mục đích được nêu ra là kích cầu và tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu tiếp cận sản phẩm. Người mua cũng ra quyết định khi đã so sánh giá của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, sau đó mới ngẫm đến vấn đề chất lượng, song cũng chỉ dừng lại ở nghi vấn “liệu có phải tiền nào của nấy?”.
Hầu như chưa có doanh nghiệp phát triển bất động sản nào chứng nhận công trình của mình có tuổi thọ bao lâu, trong khi về phía khách hàng khi, mua nhà họ cũng chỉ “lướt” qua các yếu tố như: hệ số chống động đất của toàn bộ công trình, suất đầu tư cho cọc - móng, khối lượng và loại vật liệu sử dụng cho quá trình xây dựng... Đó là những yếu tố tác động trực tiếp đến độ bền của sản phẩm mà họ sẽ sở hữu, nhưng họ chỉ nhớ đến khi có sự cố xảy ra, còn khi họ hơi, chủ đầu tư chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Trên thực tế, chất lượng công trình là tiêu chuẩn để đánh giá uy tín và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, nhà thầu. Tuy nhiên, để tất cả các công trình đều đảm bảo chất lượng thì không thể chấp nhận hiện tượng “tự phát”, mỗi nhà làm mỗi kiểu, các cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định và chế tài cụ thể cho công trình nhà cao tầng.
Theo đó, ngoài những quy chuẩn về thiết kế, thi công, nên chăng có thêm quy định về tuổi thọ công trình? Song, điều này liệu có quá tầm vì hiện nay, ngay cả quyền sở hữu chung - riêng, phí quản lý chung cư, khu đô thị vẫn còn tình trạng thực tế chưa thống nhất được với quy định chung của Nhà nước?