Đây không phải là lần đầu tiên thực trạng “trần trụi đến đau lòng” về các dự án BT được kiểm toán nhà nước phơi bày trước công luận. Thực trạng này khiến nhiều người phải thốt lên trong lo lắng: Bao giờ BT thôi dậy sóng?
Cuối tháng 4/2017, 3,5km đường Trần Hữu Dực, Nam Từ Liêm, nối đường Lê Đức Thọ và đường 70 tại Hà Nội, chính thức được thông xe. Đây được coi là một trong những con đường đắt nhất hành tinh. Thậm chí, có người còn cho rằng, đây là “con đường kim cương”, bởi lẽ dự án làm 3,5km đường này có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng do Cty Cổ phần Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BT.
Đáng nói, để có được 3,5 km đường này, Hà Nội phải đổi gần 70 héc-ta đất. Nếu xem xét kỹ hơn, thì dự án này có chi phí giải phóng mặt bằng là 193 tỷ, còn lại hơn 1.300 tỷ là để đầu tư làm đường. Tính ra, mỗi km đường do Tasco đầu tư lên tới hơn 370 tỷ đồng. Quy đổi sẽ ra hơn 16 triệu USD/km. Trong khi Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với Việt Nam nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ là 5 triệu USD/km, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.
Nhưng đây không phải là con đường duy nhất có suất đầu tư đắt như vàng tại Thủ đô này mà thực trạng này còn diễn ra trên rất nhiều địa phương khác.
Thực trạng “trần trụi” này khiến câu hỏi về sự minh bạch trong các dự án BT trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nói như TS Nguyễn Đình Cung, dự án BT chỉ là hình thức mới phủ lên nội dung cũ “đổi đất lấy hạ tầng”, chẳng qua là “bình mới rượu cũ”. "Đổi đất lấy hạ tầng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, lợi ích nhóm. Tại sao chúng ta phải đổi đất trong khi chúng ta có thể bán đất một cách công khai minh bạch, sau đó lấy tiền đem đi đầu tư?”, ông Cung gay gắt đặt vấn đề.
Như đã nói qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Vậy nếu Kiểm toán tiến hành kiểm toán tất cả các dự án BT trên toàn quốc thì con số này sẽ là bao nhiêu? Rất khó để có được một câu trả lời cụ thể, nhưng có số chắc chắn vẫn sẽ lên đến… hàng nghìn tỷ đồng.
Đó chính là mặt trái của cơ chế BT, là cái giá phải trả cho một cơ chế thiếu công khai, minh bạch. Mặt trái này cũng chính là thách thức cho quá trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Bao giờ BT thôi dậy sóng?”