19/02/2013 7:58 AM
Số liệu đến 21/1/2013 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng giảm 1,06%; cùng đó, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng 6,9% so với cuối năm 2012, đã cho thấy bức tranh đình đốn của nền kinh tế mà suy giảm tín dụng là nút thắt trong đó.

Theo cập nhật mới nhất từ các bản tin thị trường từ tháng 1/2013 đến nay, tình hình hoạt động của thị trường ngân hàng hết sức ảm đạm.

Ngay từ đầu năm, câu hỏi làm thế nào để giải quyết nợ xấu, khôi phục tín dụng để tạo đà cho sản xuất vẫn chưa có lời giải.

Theo cập nhật mới nhất từ các bản tin thị trường từ tháng 1/2013 đến nay, tình hình hoạt động của thị trường ngân hàng hết sức ảm đạm. Đợt hạ lãi suất điều hành cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước trong 2012 chỉ tác động nhỏ đến mặt bằng chung. Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động VND ổn định hầu hết ở các kỳ hạn, kỳ hạn 12 tháng về 10% - 11%/năm và lãi suất cho vay ổn định quanh 11% - 16%/năm.

Trái phiếu vẫn chèn tín dụng

Một thông tin không mấy lạc quan xuất hiện ngay từ đầu năm là tăng trưởng tín dụng tính đến 21/1 so với cuối 2012 tiếp tục giảm 1,06%, trong khi huy động vốn giảm nhẹ 0,53%. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu một ngân hàng thương mại lớn của nhà nước thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do mấy yếu tố sau.

Một, nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện bởi lượng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn. Tính đến 1/1/2013, chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ 2012, xuất hiện một số ngành có tồn kho tăng gấp 3 lần. Vì thế, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung bán tháo hàng tồn, ít đẩy mạnh sản xuất phục vụ dịp Tết. Đi kèm với hàng tồn kho cao là nhu cầu tiêu dùng giảm rất mạnh, người dân tăng cường thắt chặt chi tiêu.

Hai, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm xử lý nợ xấu nhưng tình trạng này vẫn giẫm chân tại chỗ. Đề án công ty mua bán tài sản quốc gia vẫn chưa chính thức được thông qua.

Cùng đó, những chính sách của Chính phủ như giải quyết tồn kho bất động sản, cam kết cung cấp dành gói vốn trị giá 40 nghìn tỷ đồng cho mua nhà xã hội và người có thu nhập thấp của Ngân hàng Nhà nước, vẫn chưa được triển khai và hầu như chưa tác động gì nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một chuyên gia phân tích nhận định rằng, nếu so sánh với cùng kỳ các năm 2010, 2011, 2012 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của tháng 1/2013 đang thực sự báo động. Xu hướng này sẽ còn kéo dài đến hết quý 2/2013 và như vậy, sự hồi phục sức sản xuất, chi tiêu và xét ở quy mô rộng hơn là tổng cầu, vẫn chưa tìm thấy sự lạc quan.

Còn xét trên thị trường 2, không khí ảm đạm bao trùm là nét chủ đạo và chi phối hầu hết các mặt từ quy mô giao dịch đến lãi suất. Nguồn cung tiền đồng quá dồi dào nên lãi suất rất thấp, thậm chí chỉ ở mức 1%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, được coi là mức thấp kỷ lục của năm 2012. Trong khi đó, đầu tư trái phiếu Chính phủ tiếp tục là kênh hấp dẫn đối với ngân hàng.
Trên thị trường sơ cấp, chỉ trong tháng 1/2013, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 13.460 tỷ đồng trái phiếu và 7.290 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, đạt tới 69% kế hoạch quý I/2013. So với cùng kỳ 2012, lượng phát hành tăng gấp 11 lần!

Còn trên thị trường thứ cấp, doanh số giao dịch tiếp nối đà tăng từ trước đó với quy mô xấp xỉ 32 nghìn tỷ đồng trong tháng này.

Lối thoát ở đâu?

“Bức tranh chung của thị trường tiền tệ, đặc biệt là nút thắt tín dụng vẫn chưa thoát khỏi u ám vốn kéo dài từ đầu năm đến nay không chỉ là sự lo ngại thông thường mà dần hiện hữu thành cơn ác mộng cho cả nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietpostbank nói với báo giới mới đây.

Theo ông, nếu tổng cầu, sức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tê liệt nốt năm nay nữa thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Bóng ma lạm phát là vẫn có nhưng không vì thế mà quá sợ hãi để rồi đẩy nền kinh tế đến chỗ giảm phát. Rất nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, châu Âu đều đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế. Nước Mỹ sau khi bỏ ra hai gói kích thích thì đã tung tiếp gói thứ ba với quy mô mỗi tháng 40 tỷ USD qua kênh thị trường mở để cứu nền kinh tế. Điều đó cho thấy, họ sợ giảm phát hơn là lạm phát.

Hiện tại, Chính phủ đang cố gắng chứng tỏ rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối ổn định nhưng thực tế thì sự cố gắng này không phản ánh đúng thực chất tình trạng nền kinh tế. Và đến một lúc nào đó, tình trạng giảm phát xuất hiện thì tê liệt hoàn toàn.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì phải đi từ tháo gỡ nút thắt tín dụng mà trước hết là xử lý nợ xấu. Đáng tiếc là đề án thành lập công ty tài sản nợ quốc gia mặc dù rục rịch đã hơn nửa năm nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Cũng theo ông này, giải pháp tiếp theo là phải tìm cách khôi phục tổng cầu, thậm chí là đặt lên bàn cân giữa lạm phát và giảm phát. Không nhất thiết quá sợ hãi lạm phát mà kéo dài sự trì trệ của nền kinh tế.

Ngoài ra, liên quan đến hoạt động ngân hàng, quan chức này còn tiết lộ thêm: “ở ngân hàng tôi, tín dụng bị tắc nghẽn còn ở một lý do rất lãng xẹt là cán bộ tín dụng sợ bị vào tù”. Theo đó, rất trớ trêu là ở những ngân hàng thương mại nhà nước đang có tình trạng cán bộ tín dụng từ chối các nhu cầu vay một cách rất bất thường. Khi tìm hiểu thì được biết, vì lo sợ sau hàng loạt vụ vi phạm luật và bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nhiều cán bộ tín dụng đã chọn cách từ chối các khoản vay để được... yên thân.

“Không chỉ ở các ngân hàng thương mại nhà nước mà ngay cả ở ngân hàng của chúng tôi cũng có tình trạng này. Một dự án có thể hôm nay tốt nhưng ngày mai lại không, thế nên không có gì chắc chắn cả vì thế, họ chọn cách ngồi im hưởng lương cho lành”, ông Hưởng cho biết thêm.

Thực tế trên dẫn đến tình trạng, đầu huy động thì vẫn rất tích cực, thế nên huy động thừa rồi để đấy, khiến các đơn vị này đành phải mua giấy tờ có giá với lãi suất thấp. Cứ tưởng thế là giữ được đồng vốn an toàn cho nhà nước nhưng thực ra là đang làm hại ngân hàng. Thay vì vốn phải ra khỏi ngân hàng để sinh lời cho nền kinh tế thì cứ loanh quanh trong ngân hàng, không chỉ thiệt hại cho ngân hàng mà nền kinh tế cũng bị vạ lây.

Nguyễn Hoài (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.