Báo chí Lào số ra gần đây. (Ảnh: Hoàng Chương/Vietnam+ |
Quan điểm này được đưa ra sau khi tổ chức phi chính phủ Global Witness (GW) lên tiếng cáo buộc HAGL phá rừng, chiếm đoạt đất tại Lào và Campuchia.
Trong số ra ngày 22-5, dưới đầu đề “Tấm lòng cao cả của một doanh nghiệp Việt Nam," báo Đất nước Lào của Thông tấn xã Phathet Lào và báo Lào Phatthana của Hội Nhà báo Lào cho biết Attapeu là một tỉnh nghèo nay đã thay da đổi thịt, thay đổi hàng ngày. Những vùng đất cằn cỗi xơ xác do thiếu nước trước đây đã nhường chỗ cho những cánh rừng cao su và mía bạt ngàn.
Bài báo dẫn lời Bí thư, Tỉnh trưởng Attapeu Khanphan Phommathat cho biết, Attapeu là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng nhưng do đất đai không tốt, phương thức sản xuất lạc hậu nên kinh tế không phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh kêu gọi đầu tư nhiều doanh nghiệp đến rồi lại bỏ đi, vì chê đất cằn và xấu. Chỉ có tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trụ lại và quyết tâm đầu tư giúp đỡ địa phương. HAGL đã dồn công dồn sức tập trung đầu tư cây cao su và cây mía, biến những cánh rừng nghèo thành những dự án trồng cao su, nông trường mía đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đời sống người dân đã được nâng cao rõ rệt, nhưng quan trọng hơn là tập đoàn đã cải tạo được vùng đất, giúp người dân xoá bỏ được tập quán làm ăn lạc hậu săn bắn hái lượm là chính trở thành những công nhân nông nghiệp làm giàu trên mảnh đất của mình.
Theo tờ báo, HAGL là đầu tư vào những tỉnh nghèo như Sekong và Attapeu và tập trung giúp đỡ không hoàn lại 35 triệu USD cho công tác an sinh xã hội tại các đại phương này như xây dựng một bệnh viên 200 giường, 1.000 căn hộ, mỗi căn hộ có diện tích 70m2 cho công nhân, xây dựng hàng trăm km đường cấp phối đến các vùng dân cư; kéo hàng trăm đường điện cho dân cư trong vùng dự án, xây dựng nhiều cầu kiên cố giúp người dân đi lại thuận tiện.
HAGL còn giúp xây dựng một trung tâm hành chính huyện Phu Vông. Với những dự án trên HAGL đã góp phần giải quyết việc làm cho đồng bào hai tỉnh và các vùng lân cận lên đến 20.000 người.
Theo tờ báo, người dân Lào nói chung và người dân trong vùng dự án nói riêng rất thích cách làm việc của HAGL, đó là nói là làm, quan tâm người lao động, tôn trọng pháp luật, bảo đảm môi trường, đầu tư hiệu quả.
Mới đây, với việc tập đoàn HAGL khánh thành nhà máy chế biến cao su 25.000 tấn /năm và nhà máy mía đường 7000 tấn mía cây/ngày, có thể khẳng định mục tiêu tạo ra kim ngạch xuất khẩu 400 triệu USD /năm cho hai tỉnh nói trên (trong đó Attapeu chiếm 90%) khi kết thúc dự án vào 2014 sẽ trở thành hiện thực.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su, ông Khamphan Phommathath, Bí thư Tỉnh trưởng Attapeu đã chân thành cảm ơn HAGL đã tạo công ăn việc làm, tạo tay nghề lao động cho người dân nhanh chóng thoát nghèo, đáp ứng sự chờ mong của nhân dân huyện Saysetha nói riêng và nhân dân tỉnh Attapeu nói chung.
Báo chí Lào khẳng định HAGL là nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất tại Lào với số vốn gần 1 tỷ USD, thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong vùng có dự án.
Hôm 17-5, trong cuộc trao đổi thông tin về các hoạt động đầu tư của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia, chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cho biết luôn tuân thủ theo đúng luật pháp nước sở tại. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, HAGL chỉ nhận những phần đất được chính phủ các nước cho phép đầu tư theo đúng quy định pháp luật của từng nước, không có chuyện vào các nước này để chiếm đất trồng cao su. Đến ngày 20-5, trong thông báo trả lời về phản ứng của HAGL, bà Megan MacInnes - Trưởng nhóm Tài nguyên đất của GW, cũng là một trong những tác giả của báo cáo, nhận định: "Thay vì giải quyết các vấn đề được nêu ra trong báo cáo và cải thiện cuộc sống của hàng trăm người dân bị ảnh hưởng, HAGL có vẻ chỉ quan tâm đến hình ảnh của mình". |