CafeLand - Trước khi trở thành “đại gia” trên thị trường bất động sản, những tập đoàn lớn như Vingroup, Tân Hoàng Minh, FLC… đều kinh doanh ở lĩnh vực khác. Những cú rẽ bất ngờ, tầm nhìn chiến lược cộng với bản lĩnh kinh doanh đã đem đến thành công cho những tên tuổi này, dẫu rằng chặng đường gian nan còn dài ở phía trước.

Những cú rẽ bất ngờ

Tập đoàn Vingroup được biết đến với nhiều dự án bất động sản đình đám. Tuy nhiên, có thể vẫn còn nhiều người chưa biết, con đường khởi nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp này lại từ những gói mỳ.

Đầu những năm 90, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT của Vingroup, khi đó đã vay mượn bạn bè một số tiền nhỏ để mở một công ty kinh doanh mì gói tên là Technocom ở Ukraine. Dù chật vật ban đầu, song sản phẩm mì gói Minava đã nhanh chóng trở thành thương hiệu số 1 trên thị trường thực phẩm ăn nhanh của Ukraine.

Đang ăn nên làm ra, ông Vượng quyết định bán Technocom cho tập đoàn Nestle sau nhiều đêm trăn trở. Ông bán vì đã nhìn thấy cơ hội đầu tư mới, đó là chuyển hẳn về Việt Nam kinh doanh bất động sản.

Vinhomes Times City, một trong những dự án thành công của Vingroup sau cú bẻ lái rẽ ngang vào bất động sản.

Sau dự án đầu tay tòa tháp đôi ở Hà Nội, khu du lịch nghỉ dưỡng Hòn Tre ở Nha Trang, đến nay Vingroup đã vươn ra đầu tư trên khắp cả nước. Có thể kể đến một số công trình vốn đầu tư lên đến cả chục ngàn tỷ đồng như khu đô thị Vinhomes Times City, tổ hợp Vinhomes Royal City, Vinhomes Central Park, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc...

Mức độ bao phủ, quy mô và số lượng dự án xây dựng không ngừng của Vingroup giống như những quả bom tấn dội vào thị trường khiến mọi thứ đảo lộn. Từ những thành công trong lĩnh vực bất động sản, Vingroup vươn ra các lĩnh vực có tiềm năng lớn khác như sản xuất nông nghiệp, bán lẻ, giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch…

Tương tự Vingroup, các tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC và Novaland cũng là những trường hợp rẽ ngang vào con đường bất động sản nhưng lại gây dựng được tiếng tăm đầy bất ngờ.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên thương vụ đấu giá khu đất vàng gây “chấn động” dư luận tại 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM vào giữa năm 2015. Đây là thương vụ có giá 1.430 tỷ đồng, một trong những mức đấu giá đất cao kỷ lục tại thành phố từ trước đến nay. Qua 16 vòng đấu giá, Tân Hoàng Minh đã bỏ xa các đối thủ để chiến thắng cuối cùng.

Mặc dù là một ông trùm trong ngành bất động sản, nhưng trong quá khứ Tân Hoàng Minh lại là một doanh nghiệp có gốc kinh doanh dịch vụ tận tải taxi. Trước đây, công ty này là chủ thương hiệu Taxi V20, phát triển mạnh một thời ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó những chiếc taxi V20 dần biến mất khỏi đường phố, bởi ông chủ của chúng đã bán hết xe và rút khỏi vận tải. Điều bất ngờ là, Tân Hoàng Minh sau đó tái xuất trên thị trường và nổi như cồn trong vai trò một nhà đầu tư bất động sản thâu tóm nhiều khu đất vàng tại các thành phố lớn.

Năm 2011, Tân Hoàng Minh đã chi tới 47 tỷ đồng để đền bù cho 47 m2 khu đất “vàng” để thực hiện dự án D'. San Raffles trên mảnh đất vàng nằm trên phố Hàng Bài và phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là mức giá đền bù kỷ lục ở Việt Nam, cao gấp 25 lần so với khung giá đất cao nhất tại Hà Nội tại thời điểm đó. Mới đây, Tân Hoàng Minh một lần nữa được giới bất động sản “nể mặt” khi đầu tư dự án D’.Palais de Louis tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội với những căn hộ đắt nhất Việt Nam, có giá lên tới cả trăm tỷ đồng/căn. Đây được xem là căn hộ đế vương với thiết kế cầu kỳ, nội thất mạ vàng.

Quần thể FLC Samson Beach & Golf Resort - Một trong những dự án làm nên tên tuổi của Tập đoàn FLC.

Còn FLC, trước khi được dư luận biết đến với một loạt dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, Phú Quốc… tập đoàn này kinh doanh đa ngành nghề với quy mô còn khiêm tốn. FLC chỉ mạnh lên trong vài ba năm trở lại đây với việc niêm yết trên sàn chứng khoán và liên tục tăng vốn điều lệ, đầu tư vào các dự án lớn. Nhờ mạnh dạn tái cấu trúc, chuyển hướng đầu tư sang bất động sản, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết đã bứt phá và trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường nhà đất.

Bản lĩnh và tầm nhìn

Lựa chọn bất động sản và trở thành những doanh nghiệp lớn luôn là mơ ước, mục tiêu mà nhiều công ty hướng đến. Tuy nhiên, con đường đi đến thành công không hề đơn giản. Không ít công ty bất động sản đang rất khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản. Ngoài các yếu tố khách quan thị trường, nền kinh tế hay kém may mắn, phần lớn doanh nghiệp khó khăn đều do những sai lầm về mặt chiến lược. Đối với những doanh nghiệp thành công, ngoài yếu tố may mắn họ còn thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ.

Trước đây, nhiều cái tên trên thị trường bất động sản “nổi như cồn” với rất nhiều dự án “tỷ đô” được tung ra nhưng sau đó phải nếm trái đắng. Công ty bất động sản Phát Đạt sau thành công ở dự án EveRich 1 đã phải vật lộn với khó khăn trong nhiều năm liền. Gần đây, công ty này đã có sự tái cấu trúc mạnh mẽ, rót vốn thành lập thêm 3 công ty con kinh doanh bất động sản. Hay một loạt tên tuổi khác như Hoàng Quân, Quốc Cường Gia Lai, Sacomreal cũng vật lộn với không ít khó khăn, thậm chí đại gia Hoàng Anh Gia Lai cũng từ từ rút khỏi thị trường bất động sản. Xem ra, để có được thành công không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Trở lại với 3 đại gia trên, ngay cả khi tạo được chỗ đứng như hiện nay, họ cũng luôn phải đối mặt với nhiều “tai tiếng” và áp lực để phát triển.

Chẳng hạn, trong năm 2015, tập đoàn FLC bị Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phạt 50 triệu đồng vì dự án FLC Complex xây dựng không phép. Tiếp đó, FLC Garden City bị đình chỉ thi công do chưa có giấy phép xây dựng nhưng công trình vẫn ồ ạt thi công. Hay dự án FLC Sầm Sơn thì xuất hiện trên truyền thông với thông tin “phá rừng phòng hộ để xây resort”.

D’.Le Roi Soleil, một trong những dự án có vị trí đắc địa của Tân Hoàng Minh đầu tư xây dựng.

Đối với Tân Hoàng Minh, hầu hết những dự án “căn hộ đế vương”, những “kiệt tác vượt thời gian” đều chậm tiến độ và nhận được không ít lời “khen chê” từ xã hội. Mặc dù đưa ra lý do “vướng thủ tục hành chính” và một vài dự án đã được tái khởi động trong năm nay, nhưng điều đó chưa làm cho dư luận hết nghi ngờ và đặt dấu hỏi về năng lực thực sự của tập đoàn này.

Còn Vingroup, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2015 diễn ra vào tháng 4, cổ đông đã chất vấn hội đồng quản trị về tính hiệu quả của những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của tập đoàn. Nhiều cổ đông băn khoăn về tính hiệu quả khi Vingroup đẩy mạnh đầu tư vào bán lẻ, thời trang, nông nghiệp, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là bất động sản.

Theo phân tích và đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện tình hình kinh tế Việt Nam và thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn không ít khó khăn thách thức sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Ở lĩnh vực nhà đất, làn sóng mua bán, sáp nhập và cạnh tranh vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Do đó, trong cuộc đua này, chỉ có những doanh nghiệp có bản lĩnh, chiến lược kinh doanh thông minh mới có thể có những bước phát triển bền vững và trở thành những đại gia thực sự.

Vingroup mạnh về tài chính, quỹ đất

Những chiến lược kinh doanh đúng hướng thời gian qua đã giúp Tập đoàn này có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Kết thúc quý 3/2015, Vingroup dẫn đầu về lợi nhuận trong số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán với hơn 972 tỷ đồng. Tổng tài sản là 125.933 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 31.620 tỷ đồng.

Không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh, Vingroup còn là doanh nghiệp có nhiều lợi thế về quỹ đất. Hiện nay, tổng quỹ đất tập đoàn này đang nắm giữ là khoảng 80 triệu m2, đủ để phát triển dự án trong 10 năm tới.

Tân Hoàng Minh nổi tiếng chơi ngông

Trong khi những người khổng lồ khác mạnh mẽ phủ sóng đầu tư trên khắp lãnh thổ hình chữ S, thì Tân Hoàng Minh vẫn kiên định bám trụ thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

Tên tuổi của Tập đoàn này gắn với 4 dự án siêu sang có thiết kế mang phong cách Pháp cổ là D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. Palais de Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An và D’. San Raffles – Hàng Bài. Mỗi dự án trong bộ tứ này đều có tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trong đó, D’.Palais de Louis có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng là một trong những dự án căn hộ có giá đắt nhất Hà Nội. Với giá bán trên 100 triệu đồng/m2, tương đương mỗi căn hộ khoảng hàng chục tỷ đồng. Các căn hộ tại đây nội thất sang trọng, mạ vàng nên được mệnh danh là “căn hộ đế vương”.

FLC mới nổi nhưng bứt phá mạnh mẽ

Từ năm 2011 đến nay, FLC liên tục tăng trưởng mạnh về hoạt động kinh doanh. Nếu năm vừa qua là mốc đánh dấu lợi nhuận tập đoàn bắt đầu đạt hơn trăm tỷ đồng thì năm 2015 tốc độ tăng trưởng bứt phá mạnh mẽ. Hết quý 3/2015, doanh thu của FLC đạt 3.288 tỷ đồng và 801 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 59,4% và 70% kế hoạch năm. Với lãi ròng đạt hơn 630 tỷ đồng, tăng trưởng 163% so với cùng kỳ, FLC trở thành đại gia đứng thứ 2 trong top doanh nghiệp bất động sản có doanh thu lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vingroup.

Thời gian tới, tổng số các dự án đầu tư của FLC sẽ không chỉ tính bằng hàng chục mà sẽ là hàng trăm. Mục tiêu của tập đoàn là xây xong dự án nào sẽ bán hết dứt điểm dự án đó, không để tồn kho, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC cho biết.

Đan Tâm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn

    Khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn

    FLC Quy Nhơn tọa lạc tại vị trí đắc địa trên địa phận thành phố Quy Nhơn ôm trọn vòng cung Eo Gió, tỉnh Bình Định. Dự án cách trung tâm Quy Nhơn 19km , sân bay Phù Cát 35km, Pleiku 2,5 tiếng đi ô tô, Nha Trang và Đà Nẵng 4 – 5 tiếng đi ô tô, Hà Nộ...

  • FLC khai trương khách sạn trong phố đầu tiên FLC City Hotel Beach Quy Nhơn

    FLC khai trương khách sạn trong phố đầu tiên FLC City Hotel Beach Quy Nhơn

    Hôm qua (24/10), Tập đoàn FLC đã chính thức khai trương FLC City Hotel Beach Quy Nhơn – khách sạn được xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao thứ 3 của FLC tại Bình Định. Sự kiện diễn ra trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của FLC (25/10/ 200...

  • Dự án FLC Quy Nhơn

    Dự án FLC Quy Nhơn

    Khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn tọa lạc tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.