17/08/2012 10:18 PM
Nói về hoạt động của các doanh nghiệp BĐS hiện nay, nhiều chủ ngân hàng cho rằng, chuyện cơ cấu nợ không chỉ nằm ở các ngân hàng mà phải từ chính sự chủ động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có nhiều dự án, cần mạnh dạn cơ cấu lại.

Nói một cách khách quan, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên có lý do để đưa ra các biện pháp quản lý tối đa rủi ro tín dụng. Về vấn đề này, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức nhìn nhận, các ngân hàng đều yêu cầu có tài sản thế chấp mới cho vay, còn để được hưởng mặt bằng lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp phải vay tiền nhàn rỗi khác để trả cả gốc lẫn lãi cho khoản vay cũ, khi đó ngân hàng mới cho vay khoản mới. Vậy cái “bắt tay” trong trường hợp này, dưới góc độ một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Công ty XNK Đầu tư Cát Tường, phân tích:

“Nhà sản xuất sẽ hỗ trợ chủ đầu tư trong các DA bằng hình thức chịu chi phí trong vấn đề đứng ra bảo lãnh về lãi suất đối với những DA đang gặp khó khăn, để đảm bảo an toàn trong tài chính. Khi đó chúng ta cần liên kết cùng với NH bảo lãnh khoản vay 3 tháng, 6 tháng tùy theo thỏa thuận của các DA.”


Doanh nghiệp đang chờ cái bắt tay từ ngân hàng.

Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp BĐS hiện nay là quay vòng vốn để trả nợ cũ, thiếu tiền mặt vì đầu ra không tốt. Trong khi đó, bài toán bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ. Bởi điều trước tiên phải tính đến việc nhà đầu tư nước ngoài có chú ý đến các dự án BĐS và xem đây là cơ hội để vào Việt Nam hay không? Trên thực tế, có quá nhiều dự án đang chào bán trên thị trường với giá “mềm” nên nhà đầu tư càng được thế, thoải mái lựa chọn. Dù giá nhà đất hiện nay đã giảm, nhưng thời điểm hiện tại mức giá mà nhà đầu tư nước ngoài đưa ra còn thấp hơn, do đó rất khó để hai bên gặp nhau.

Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng trên thực tế quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cởi mở. Ngân hàng vẫn thận trọng với các khoản vay từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS, khu vực mà đầu ra đang gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, doanh nghiệp cũng không mấy hào hứng với việc đi vay để đầu tư kinh doanh BĐS hay mua nhà để ở. Trước hoàn cảnh này, ông Phạm Vũ Hải Anh, giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cho rằng, các chủ đầu tư cần biết chia sẻ lợi nhuận và có hướng đi mới: Flimigo Đại Lải đã đầu tư hạ tầng 100%, gia tăng những nghệ thuật, dịch vụ theo tiêu chuẩn cao cấp cho khách hàng. Chúng tôi đầu tư hạ tầng, hạng mục dịch vụ cho khách hàng và phân loại trước để đem lại giá trị sử dụng cho khách hàng, chứ không chỉ tập trung vào việc bán BĐS mà quên đi tạo các giá trị dịch vụ. Sau đó, chúng tôi bán các BĐS đi kèm. Khi đó chúng tôi đảm bảo việc tạo ra niềm tin cho khách hàng.

Còn bà Bùi Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Minh, một DN chuyên đầu tư lĩnh vực BĐS của TP. Hải Phòng, khẳng định: Chúng tôi chỉ yêu cầu vốn đầu tư ban đầu là chúng tôi có thể thực hiện được DA, vì giờ xi măng, sắt, thép đều giảm giá rồi. Đây là giai đoạn mà các nhà kinh doanh chủ đầu tư BĐS có điều kiện vươn tới, xóa được khó khăn này. Một yêu cầu nữa là ngay từ đầu chủ đầu tư phải được chấp nhận sử dụng lâu dài và được cấp ngay sổ đỏ luôn.

Có thể nói, trong thời gian qua, ngân hàng và doanh nghiệp dè chừng nhau, nhưng đã đến lúc cần phải ngồi lại với nhau, mỗi bên phải “nhường nhau” mới có thể tháo gỡ được tình hình. Còn nhà đầu tư cũng tìm hiểu, cân nhắc và lựa chọn những dự án có triển vọng để đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường từng bước cải thiện và vượt qua khó khăn hiện tại./.

Theo Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.