04/09/2012 10:41 PM
Mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giao dịch diễn ra phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng cũng có nhiều người bỏ hàng tỷ đồng ra để mua một khoảnh đất nông trường mà chỉ có chung một hợp đồng giao khoán đất sản xuất nông lâm nghiệp y chang nhiều người khác, một sơ đồ xác định ranh giới khá thủ công và giấy mua bán trao tay.

“Cứ mua, cứ xây, sau này khắc có sổ đỏ hết

Không còn không khí sôi động, nóng bỏng như một vài năm về trước, hoạt động chuyển nhượng mua bán đất tại Ba Vì đã trầm lắng hẳn. Trong cái nóng oi ả những ngày cuối tháng 8, Minh Hiểu - ông chủ một nhà hàng ngay sát đường vào khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên cho hay “Anh chị không biết đấy chứ, trước chỗ này nhà em chẳng khác gì sàn giao dịch, gần như là trung tâm mua bán của mấy anh em quanh đây. Mua bây giờ là dễ đấy, chứ trước thì khó!”.

Dứt lời, “ông chủ” này nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi từng “đường đi nước bước”.

“Chẳng hạn, bây giờ mà anh chị mua đất của em thì ngoài hợp đồng giao khoán, sẽ có một giấy riêng, rồi lên nông trường, người ta sẽ xác nhận hai bên đã đồng ý chuyển nhượng cho nhau, viết lại một hợp đồng khác cho mình...”- “Ông chủ” vạch đầu việc, rõ ràng, minh bạch, dễ và gọn, như thể ở văn phòng “một cửa một dấu”

Thì đây, minh chứng cho “hướng dẫn” của ông chủ trẻ, là một bản hợp đồng phô tô một khu đất đã được mua bán, chuyển nhượng “ngon nghẻ” hồi 2009. Bên nhận chuyển nhượng được đứng tên trong hợp đồng “thử nghiệm nuôi bò sữa và trồng cây ăn quả”, được giao hợp đồng và một sơ đồ bàn giao đất giữa bên bán và bên nhận chuyển nhượng. Trong tờ sơ đồ này, ngoài chữ ký hai bên, người làm chứng còn có chữ ký xác nhận của quản lý ruộng đất trạm trại (QLRĐTT). Cả hợp đồng và sơ đồ đều có dấu giáp lai của Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì! Con mắt lọc lõi, ý chừng phách vị thấy chúng tôi còn e ngại về mặt pháp lý của giấy tờ, ông chủ cười ngất: “Người ta đều mua bán thế mà! Chẳng sao hết! Đấy, thiên hạ xây đầy thôi! Xã có “viếng thăm” thì mất tí ti. Chị cũng biết mà! Thời này, cái gì mà chẳng cần quan hệ”

Như để tăng trọng lượng mấy câu à ơi, “ông chủ đánh bài ngửa: “Còn để có dấu đỏ xác nhận của Trung tâm, hồi trước em mua là mất khoảng 15 triệu. Đấy là em có quan hệ với lãnh đạo trên Ba Vì thì em mất 1 triệu/ 1m2 mặt đường. Em có 15m2 mặt đường thì mất 15 triệu. Thời điểm này, chắc đắt gấp đôi vì thời giá bây giờ nó khác. Người ta làm luật thì cũng phải lách luật thì mới sống được chứ.”

Choáng thật. Báo giá đến thế thì thôi! Nhìn những ngôi nhà được xây đủ kiểu biệt thự, nằm uy nghiêm, hùng dũng trên các vùng đồi xanh, chẳng ai nghĩ theo văn bản giấy tờ giao khoán, nó chỉ được phép xây dựng làm “lán tạm để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất”...

Đương nhiên những ngôi “nhà lán tạm” này vẫn đang được mua bán, xây dựng, chuyển nhượng, bình thường như không hề có quy định cấm của Nhà nước.

Sang phần đất của Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Biển hiệu “Mua bán bất động sản” vẫn treo trang trọng. Đất được anh chị chủ nhà giới thiệu chủ yếu là “đất của nông lâm trường”. Điều thú vị là mua bán được bảo đảm là “chẳng cần giấy tờ cũng chả sao vì xã như người nhà” rồi.

Nói cứ như thật! Việc nhà nước, đất đai, số sách, sở hữu, kiện tụng như bỡn, sao lại “như người nhà rồi”, nước bọt là xong được! Cái nghi hoặc ấy bị lời chào mời thẽ thọt đánh tan trong chớp mắt: “Cô chú cứ về đây mà mua. Đấy, chỉ cần đi một đoạn nữa là thấy người ta mua xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng nhiều lắm, đẹp mê luôn! Chẳng ai hỏi gì cả đâu. Nhà chị mua mấy khoảnh thế này, đất người ta khai hoang, chả cần giấy tờ. Thực ra, chính quyền còn khuyến khích xây ý chứ, để sau này quy hoạch thành trị trấn, thành khu dân cư hết mà”.

Và một lý do dường như đã trở thành cái cớ vững chắc cho người dân vùng này khi rao bán đất chính là khoảng đất ở 300 m2 đất cho các hộ dân được giao khoán. “Giao khoán, nhưng có 300m2 đất ở cơ mà”.

Nông lâm trường chỉ quản lý “hơi”

Ông Nguyễn Quốc Ân - Phó Giám đốc Công ty CP chè Việt Mông cho tôi hay, nếu giao đất cho xã quản lý thì có mà “xé nhỏ cho nhau, băm nát ra để bán mất”. Theo NĐ 01/CP ngày 04-05-1995 là giao đất, nhận khoán để sản xuất nông nghiệp chứ có phải để xây cơ sở hạ tầng đâu. Về bản chất, đó là Nhà nước cho “mượn” 300 m2 để xây lán trại, nhà từ cấp bốn trở xuống chứ không phải là để mua bán, xây biệt thự, nhà nghỉ”.

Theo ông Ân, tình trạng vi phạm, bổ ô để bán quá nhiều. Chính quyền thì “à ơi chủ nghĩa” chung chung, chưa tháo dỡ vụ nào cả mặc dù có quy định trong hợp đồng giao khoản là “nếu vi phạm thì được quyền thu hồi”. Nếu di chúc toàn bộ hợp đồng giao khoán này cho con hay cho cháu với tổng diện tích 5000m2 chẳng hạn thì không sai. Nhưng nếu chia nhỏ ra để bán là hoàn toàn sai. Họ chỉ có hợp đồng giao khoán theo chủ trương của nhà nước chứ không hề có bìa xanh, bìa đỏ gì cả.

Vị lãnh đạo gắn bó cả đời với nông trường Việt Mông khẳng định, nếu theo hợp đồng giao khoán, mục đích sử dụng đất của nhiều khu hiện nay đã không đạt được và “việc xây dựng kiên cố là sai hoàn toàn”. Chỉ có một hợp đồng giao khoán mà chia nhỏ ra bán cho năm, bẩy hộ, chỉ có giấy từ viết tay là hoàn toàn vi phạm quy định của pháp luật. Thậm chí có trường hợp đổ đất nền vào vùng lúa, nhưng chính quyền cũng chả làm gì được. Thực sự chính quyền cũng có cái khó, họ chỉ được giao về nhân khẩu, không được quản lý về đất mà rõ ràng “đất thì phải có đai”.

Ông Ân cho rằng, văn bản của nhà nước thay đổi nhanh chóng mặt để rồi khi áp dụng vào trong thực tế lại bị vướng vào vòng luẩn quẩn. Theo NĐ 01 thì ai có nhu cầu thì được cắm đất, nhưng theo NĐ 135 (văn bản sửa đổi bổ sung NĐ 01) thì lại quy định chỉ giao cho những hộ có khẩu tại đây. Như vậy, các hộ ngoại tỉnh trót bỏ tiền tỷ ra mua đất sẽ thu lại được, không được tái định cư mà chỉ được đền bù hoa lợi trên đất, mà đền bù hoa lợi bao năm thì tính thế nào?

Và thực tế, nhiều quy định của NĐ 135 không được thực hiện. “Nếu cứ ke vào NĐ 135 thì những người ngoại tỉnh mua đất ở đây sẽ bị xóa sổ hết. Hiện, tỷ lệ người ngoại tỉnh chiếm đến 35-40%”, ông Ân nói.

Trên thực tế, tất cả hơn 900 ha đất của nông trường được chia để giao hết cho dân để sinh sống và sản xuất nông nghiệp theo NĐ 01, nên nông trường hay chính quyền xã chỉ quản lý “hơi” mà thôi. Do đó, nông trường mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần có quyết định mang tính quyết đoán, phần nào có thể quy hoạch giao cho nông trường, phần nào không quy hoạch được thì giao cho chính quyền quản lý. Như thế mới phát huy hiệu quả thực sự của các vùng đất nông trường, trạm trại.

Theo Hương Nguyên (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.