Dự án Dragon Sea vẫn bất động sau 6 năm được cấp phép.
Thực tế, vướng mắc về giải phóng mặt bằng của 2 dự án này đã được các cơ quan chức năng bàn thảo nhiều lần nhưng đến nay, vẫn chưa có câu trả lời ngã ngũ. Đất vẫn lãng phí và cơ hội vẫn treo lơ lửng trước mắt các “khổ chủ” cũng như các nhà đầu tư khác.
“Khổ chủ” nói gì?
Saigon Atlantis Hotel với vốn đầu tư 4,1 tỷ USD là một trong số những dự án có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu và cũng là dự án được địa phương đặt kỳ vọng rất lớn. Kế hoạch của chủ đầu tư – Công ty Winvest Investment Việt Nam (thuộc Tập đoàn Winvest LLC, Hoa Kỳ) là phát triển một tổ hợp giải trí đa năng, với hàng loạt hạng mục như biệt thự, phòng khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp…
Tuy nhiên, 10 năm sau ngày được cấp phép dự án vẫn giẫm chân tại chỗ với hình hài hiện hữu chỉ là bãi cỏ hoang và đến nay vẫn chưa có tín hiệu mới nào từ dự án này. Theo chủ đầu tư dự án Saigon Atlantis Hotel, năm 2007 – 2008, DN đã ứng trước 98 tỷ đồng tiền thuế đất để hỗ trợ tỉnh chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng mãi gần 5 năm sau, vào tháng 11/2012 tỉnh mới bàn giao được 87 ha đất (trong tổng số 297,3 ha) cho chủ đầu tư. Điều đáng ngại là theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tiền thuê đất lại được tính ở thời điểm bàn giao đất. Vì vậy, chỉ tính riêng khoản thuế đất cho 87 ha đã nhận, thì trừ đi 98 tỷ đồng tiền ứng trước chủ đầu tư còn phải trả thêm 800 tỷ đồng nữa. Đây là rủi ro quá lớn mà chủ đầu tư không thể lường trước và không có cách nào để tiếp tục thực hiện dự án với số tiền thuê đất tăng vọt như vậy.
Winvest đã nhiều lần đề nghị tỉnh cho phép áp dụng đơn giá thuê đất vào thời điểm 2007 – 2008 nhưng đều bất thành. Lãnh đạo tỉnh cho biết, thẩm quyền quyết định việc này là của Chính phủ, không phải của tỉnh.
Cám cảnh hơn trường hợp trên, dự án Dragon Sea được cấp phép từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có một tấc đất trong tay cũng vì vướng mắc trong cách tính tiền thuê đất. Ông Micheal Nguyễn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Skybridge (chủ đầu tư Dragon Sea) cho biết, khi lập kế hoạch làm dự án vào thời điểm năm 2010, dự kiến số tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp một lần cho toàn bộ thời gian hoạt động của dự án (50 năm) và vốn cho khởi công thực hiện giai đoạn I Dự án Dragon Sea chỉ là 350 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là 325 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2012, khi bước vào thực hiện dự án, con số mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông báo cho nhà đầu tư đã nâng từ 325 tỷ đồng lên đến 1.707 tỷ đồng.
Theo ông Micheal Nguyễn, chỉ trong vòng hơn 2 năm, giá thuê đất đã tăng lên hơn gấp 5 lần đã làm đảo lộn hết kế hoạchtài chínhvà tiến độ thực hiện Dự án của Tập đoàn Skybridge. Dù quyết tâm triển khai dự án nhưng việc giá thuê đất đột ngột tăng quá cao theo quy định mới của pháp luật đất đai đã khiến Skybridge không kịp trở tay và đã nhiều lần đề xuất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét lại và vận dụng giá thuê đất hợp lý cho Dự án. Tuy nhiện đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói thống nhất giữa hai bên.
Theo lý giải của đại diện Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc tính tiền giá thuê đất đang thựchiện theo Nghị định 121/2010/NĐ-CP ra ngày 30/12/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ra ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, tiền thuê đất phải được áp theo giá thị trường.
Nhưng các chủ đầu tư chưa tâm phục khẩu phục với cách tính tiền thuê đất như trên bởi mục 2, khoản 3, Điều 2 Nghị định 121/2010/NĐ-CP đã nêu rõ: “Đối với đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn giá thuê đất tối đa không quá hai lần đơn giá thuê đất theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Những lấn cấn trong việc xác định nghĩa vụ đóng tiền thuê đất giữa cơ quan chức năng và các chủ đầu tư đã kéo dài quá lâu. Nhưng theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì nhiều khả năng phải tới cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, sau khi kết quả thanh tra liên ngành về tình hình triển khai và quá trình sử dụng đất của các dự án quy mô lớn hoàn tất và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định mới có câu trả lời cụ thể cho từng dự án.
Được biết cách đây không lâu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh thu hồi 9 dự án du lịch, trong đó có Dự án Dragon Sea. Nếu dự án này bị thu hồi cũng là vì đây là một trong những dự án FDI bị chậm triển khai mà Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều lần cảnh báo. Nhưng nếu xét đến lý do vướng mắc trong việc áp dụng đơn giá thuê đất thì liệu có công bằng khi tước cơ hội đầu tư của DN?
Hiện phía các chủ đầu tư vẫn khẳng định tâm huyết thực hiện dự án và đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét và vận dụng áp giá thuê đất ưu đãi cho dự án. Theo đó, tiền thuê đất cần tính theo giá thị trường chỉ áp dụng tính trên diện tích đất xây dựng nhà, khách sạn, còn khuôn viên cây xanh và các công trình phụ trợ thì tính theo giá đất thuê nông nghiệp.
“Chúng tôi đề nghị tỉnh xem lại giá thuê đất của dự án vì khi lập luận chứng kinh tế dự án và tính toán hiệu quả đầu tư, Tập đoàn Skybridge căn cứ theo giá đất ổn định của năm 2010. Mặt khác, đầu tư vào kinh doanh du lịch yêu cầu vốn lớn, thu hồi chậm nhưng mang lại hiệu quả cho các ngành kinh tế khác và công ăn việc làm cho xã hội, do đó cần có ưu đãi cho dự án” – đại diện Skybridge nói.
Dù những vướng mắc đang tồn tại trong câu chuyện của hai dự án này là không dễ tháo gỡ, xử lý nhưng đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm để tránh lãng phí thời gian, cơ hội cho các nhà đầu tư cũng như sớm đưa vào sử dụng các khu đất trên một cách hiệu quả.
Nếu xét đến lý do vướng mắc trong việc áp dụng đơn giá thuê đất thì liệu có công bằng khi thu hồi dự án, tước cơ hội đầu tư của DN? |