Tốc độ giải phóng mặt bằng quá chậm khiến nhiều KCN ở Bà Rịa – Vũng Tàu “thấm mệt”.
Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN không đạt kế hoạch đề ra. Hiện nay mới chỉ có 4/15 KCN hoàn thiện hạ tầng và có tỷ lệ lấp đầy hơn 90%.
Đổ ngàn tỷ lấy mặt bằng “da beo”
Theo kế hoạch, cuối năm 2014 KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 phải hoàn thiện hạ tầng để đón các nhà đầu tư thứ cấp về công nghiệp hỗ trợ. Thế nhưng, tính đến cuối tháng 7/2015 mới có hơn 630 ha đất hoàn tất thủ tục chi trả bồi thường, hỗ trợ và nhận bàn giao mặt bằng. Phần diện tích đất đã đền bù này lại chưa liền thửa gây khó khăn cho công việc san lấp mặt bằng. Hiện vẫn còn 27 hộ canh tác trên 34,3ha đất công thổ chưa đồng ý với chính sách bồi thường. Tính đến nay, công tác đầu tư hạ tầng mới chỉ đạt 9% so với tổng mức đầu tư. Ngoài ra, do dự án này có diện tích rất lớn với gần 1.000ha, địa hình trong khu vực có nhiều kênh rạch, ao hồ, đầm nuôi tôm…, trong khi đó nhu cầu về khối lượng vật liệu san lấp cho dự án khoảng 4.000 m3 đất/ngày, nhưng hiện Cty CP Thanh Bình Phú Mỹ chưa có đủ nguồn cung để san lấp mặt bằng.
Tương tự, các KCN Mỹ Xuân B1 – Conac, Mỹ Xuân B1 – Đại Dương, Phú Mỹ 3 vẫn chưa thể hoàn tất giải phóng mặt bằng do chưa thỏa thuận được giá đền bù với người dân theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một số chính sách mới về đất đai như Luật Đất đai 2013, các nghị định hướng dẫn mới có hiệu lực nên công tác đền bù bị chậm lại do phải chờ hướng dẫn thi hành. Do các phần đất đã giải phóng mặt bằng không liền thửa, khu vực dự án của các KCN này ví như tấm “da beo”, rất khó triển khai làm hạ tầng.
Bên cạnh đó, tình trạng các hộ dân khiếu kiện kéo dài, nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng không bàn giao đất, tái lấn chiếm đã gây cản trở đối với các chủ đầu tư khi thi công.
Ông Đinh Công Thụy – PGĐ KCN Cái Mép (TCty Xây dựng Sài Gòn) cho biết, do người dân cản trở thi công nên ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai dự án của TCty xây dựng Sài Gòn – chủ đầu tư KCN này. Hiện tại Cty đang triển khai 2 hạng mục là san lấp 7,5 ha và tuyến đường dọc trục chính để nối vào đường 991B của tỉnh gặp rất nhiều vướng mắc, trong đó có các hộ khiếu kiện kéo dài từ năm 2009 đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Được biết, hiện tổng giá trị đầu tư các đã KCN trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu đạt hơn 7.779 tỷ đồng nhưng hiệu quả thu về còn quá thấp so với kỳ vọng của các KCN. Những vướng mắc kéo dài triền miên đã khiến nhiều chủ đầu tư ngán ngẩm và buộc phải đầu tư ở mức độ nhỏ giọt, cầm chừng.
Khó thuyết phục nhà đầu tư thứ cấp
Tính đến tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích hơn 8.510 ha. Trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động, các KCN còn lại đang thực hiện công tác đầu tư hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết. Hiện tổng giá trị đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN mới chỉ đạt 36,19% so với tổng vốn đầu tư được phê duyệt. Đây là tỷ lệ khá thấp. Hiện các KCN còn 260 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 12,499 tỷ USD, trong đó có 129 dự án đầu tư trong nước và 131 dự án đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Triết – Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, do hạ tầng chưa hoàn thiện nên việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN trong nhiều năm qua gặp không ít khó khăn. Hiện nay mới chỉ có các KCN có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng hoàn thiện đã được lấp đầy trên 90%, bao gồm: Đông Xuyên, Phú Mỹ I, Mỹ Xuân A2 và Mỹ Xuân A. Còn các KCN khác đang phải giãn tiến độ đầu tư hoặc thu hẹp quy mô, dẫn đến việc nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích trong các KCN còn hạn chế.
Theo chủ đầu tư hạ tầng các KCN, hệ quả từ công tác giải phóng mặt bằng kéo dài không chỉ dẫn tới thời gian triển khai dự án đầu tư KCN bị ngưng trệ, phát sinh chi phí, giảm hiệu quả đầu tư mà còn khiến các KCN khó ăn nói với các nhà đầu tư thứ cấp. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đến tìm hiểu cơ hội tại các KCN này nhưng đa phần đều e ngại hạ tầng chậm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của DN nên đã chuyển hướng sang các tỉnh khác.
Vì vậy, việc cấp bách và cũng là câu chuyện đã quá “xưa cũ” vẫn là tìm được giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng để đơn vị tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại theo đúng như cam kết.