Lộn xộn, đó là thực tế đang xảy ra tại khu đất vướng nhiều khiếu kiện, tranh chấp tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ một trong các nguyên nhân là cán bộ đo đất thiếu trách nhiệm, “làm bùa phép” với các thửa đất.

Một góc khu đất bị cán bộ đo đất “làm bùa phép”

Một thửa đất, nhiều bản vẽ, nhiều sổ đỏ

Theo phản ánh của bà Dương Thị Hạnh (SN 1957, ngụ thị trấn Long Hải), năm 1997, mẹ bà là cụ Phạm Thị Phước được UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền) cấp diện tích 20.428m2 đất gồm hai thửa 47, 48 thuộc tờ bản đồ số 9.

Năm 2004, bà Hạnh được mẹ cho hai phần đất tổng diện tích hơn 570m2 đất trồng cây lâu năm, trong đó có 202m2 đất đã có sổ đỏ, và phần 370m2 nằm kế bên chưa có sổ.

Tháng 9/2004, bà Hạnh được UBND huyện cấp sổ đỏ mới số Đ736406 với diện tích được công nhận là 202m2. Theo bản vẽ hiện trạng năm 2004, thì phần 202m2 này nằm ở thửa 183, tờ bản đồ số 9. Phần chưa được công nhận trong tổng số 570m2 đất nằm kế bên.

Bà Hạnh kể: "Khi mẹ tôi cho đất có chỉ ranh, cắm mốc là các cột bê tông xung quanh và rào kẽm gai. Thời điểm đó, không có bất cứ tranh chấp nào". Từ đó bà Hạnh canh tác trên đất.

Hơn 10 năm sau, vào năm 2015, có nhu cầu lên thổ cư và đề nghị cấp sổ đỏ phần 370m2 chưa được công nhận, bà Hạnh làm hồ sơ thủ tục đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Điền (VPĐKQSDĐ).

Lúc này bà mới ngã ngửa chuyện đất của bà dù được cấp sổ đỏ năm 2004 nhưng tiếp tục được cấp thêm sổ đỏ cho người khác. Nghĩa là cùng một phần đất nhưng có tới hai sổ đỏ.

Theo đó, đất của bà Hạnh được cấp sổ năm 2004 lại được cấp cho vợ chồng ông Nhâm Văn Thành (SN 1965, ngụ thị trấn Long Hải). Sổ đỏ số BH536127 của ông Thành có diện tích đất 355m2 nằm chồng hoàn toàn lên phần đất 570m2 mà bà Hạnh được mẹ cho.

Theo hồ sơ, cùng vị trí đất của bà Hạnh có nhiều bản vẽ, nhiều số thửa, số tờ bản đồ khác nhau. Ở bản vẽ kèm sổ đỏ năm 2004 cấp cho bà Hạnh, phần đất có số thửa 183 tờ bản đồ số 9 (tờ bản đồ 47 cũ). Bản vẽ này do Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thực hiện.

Thế nhưng năm 2011, cũng phần đất này, bản vẽ hiện trạng lại cho rằng vị trí đất này có số thửa là 416 (tờ bản đồ 42 cũ). Bản vẽ này do VPĐKQSDĐ thuộc Phòng TN&MT huyện Long Điền thực hiện. Bà Hạnh cho rằng: “Bản vẽ này đã vẽ sai lệch so với thực tế”.

Theo quan sát của PV khi đi thực địa so sánh, đúng là bản vẽ năm 2004 mới chính xác. Bà Hạnh cho biết sau khi được mẹ cho đất, đã làm rào bao quanh, xây tưởng và hiện trạng còn giữ nguyên đến ngày nay. Còn bản vẽ năm 2011 có những điểm không chính xác so với thực tế.

Cũng theo một tài liệu kỹ thuật PV có được, bản đồ địa chính lưu tại cấp tỉnh cho thấy cũng khớp với thực tế tại hiện trường. Không rõ vì sao riêng bản vẽ của VPĐKQSDĐ lại “một mình một chợ”, sai lệch thực tế như vậy? Bà Hạnh tố cáo: “Cán bộ đo đất đã không đi thực tế, hoặc cố tình “phù phép” làm sai lệch diện tích vị trí đất của tôi phục vụ động cơ xấu”.

Hậu quả lộn xộn khôn lường

Sau khi phát hiện đất của mình bị “bùa phép”, năm 2015 bà Hạnh khiếu nại và được một cán bộ lãnh đạo tại VPĐKQSDĐ huyện Long Điền hướng dẫn bà tìm gặp ông Thành để… mua lại đất của chính mình.

“Họ nói đã lớ rồi, tôi phải làm hợp đồng giả cách mua lại thì được cấp sổ lại. Tôi không rõ vị cán bộ VPĐKQSDĐ huyện Long Điền có cấu kết gì với ông Thành hay không mà lại hướng dẫn tôi như vậy”, bà Hạnh nói.

Bà nông dân không biết luật nên làm theo. Nội dung hợp đồng đó là gì: Vợ chồng ông Thành sang nhượng phần đất 355m2 cho bà Hạnh với giá 35 triệu.

Hai bên làm hợp đồng giả cách nên thực tế không giao nhận tiền bạc gì. Sau này bà Hạnh mới hiểu: “Hợp đồng giả cách đó chỉ là một thủ thuật để cán bộ né sai sót đã cấp hai sổ đỏ cho cùng một thửa đất”.

Bản vẽ bên trái do tỉnh thực hiện năm 2004 là chính xác với thực tế khu đất; bản vẽ bên phải do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Long Điền thực hiện không đúng so với thực tế

Thế nhưng khi nhận sổ mới vào năm 2016, bà Hạnh một lần nữa nhảy dựng khi phát hiện chuyện trên sổ đỏ số CC910777 do ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch huyện Long Điền ký ngày 1/4/2016, số đất 215m2 còn lại của bà đã “biến mất”.

Bà yêu cầu xem xét lại. Năm ngày sau, cán bộ huyện tiếp tục cung cấp bản vẽ do VPĐKQSDĐ thuộc Phòng TN&MT huyện Long Điền thực hiện và bản vẽ này vẫn không đúng với thực tế khu đất, cho rằng bà Hạnh chỉ có 355m2 đất.

Hiện bà Hạnh cho biết đang làm đơn gửi các cơ quan chức năng, tố cáo việc một số cán bộ VPĐKQSDĐ thuộc Phòng TN&MT huyện Long Điền đã có sai phạm trong khi đo đất của bà, dẫn tới việc bà bị mất hàng trăm m2 đất.

Theo xác minh của nhóm PV, sự việc còn có rất nhiều khuất tất, khi thực tế hiện nay tại khu đất có tình trạng cấp sổ đỏ chồng chéo, xảy ra một số vụ kiện tụng, khiếu nại… tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương. Theo bà Hạnh, một số cán bộ đã tiếp tay một số đối tượng cố tình tạo giấy tờ sai lệch để chiếm đoạt thâu tóm khu đất.

Những người bị tố cáo “bùa phép” đất đai nói gì về sự việc này? Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu mà để xảy ra những việc lộn xộn tồn tại lâu nay nguy cơ biến thành một điểm nóng đất đai? Những sai phạm này đã phát sinh ra những vụ kiện tụng gì? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.

Công văn số 6063 của UBND huyện Long Điền ngày 22/8/2018 khi nói về thửa đất số 183 của bà Hạnh do Trung tâm kỹ thuật TN&MT lập năm 2004 cho rằng “đây là thửa tách ra từ thửa số 47, tờ bản đồ số 9 đã cấp cho bà Phước (mẹ bà Hạnh - NV) năm 1997”.

Tuy nhiên, ngay ở đoạn thứ 2 cũng trong công văn này, UBND huyện Long Điền lại phủ nhận thửa 183 có vị trí như trên: “… thửa 183 của bà Hạnh tương ứng thửa 185, tờ bản đồ số 9.

Vị trí thửa 183 của bà Hạnh nhận của bà Phước không trùng với vị trí thửa 183 có diện tích 222 m2, tờ bản đồ số 9 mà UBND huyện Long Điền cấp cho vợ chồng ông Thành”. Công văn trên cho thấy công tác quản lý đất đai có dấu hiệu rất lộn xộn của UBND huyện Long Điền.

Cũng trong Công văn số 6249, ngày 30/11/2017 của UBND huyện Long Điền, lộ chuyện ông Thành bỗng dưng có thêm cả ngàn mét vuông đất. Theo đó, ông Thành được cấp hơn 7.100 m2 đất vào năm 2001. Sau đó chuyển nhượng cho nhiều người còn lại gần 4.500 m2.

Đến năm 2011, vợ chồng ông Thành được cấp đổi sổ mới và diện tích bỗng dưng tăng vọt lên hơn 6.700 m2. Diện tích tăng hơn 2.200 m2 này không rõ ở đâu? Bà Hạnh cho rằng diện tích tăng vọt này là bằng chứng cho thấy ông Thành được sự cấu kết của một số cán bộ đo đất lấn chiếm đất của mình và một số người dân khác, sau đó đã bằng cách nào đó được chính quyền cấp sổ đỏ.

Bùi Yên - Bình Nguyễn (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.