Xếp hàng, chen lấn trước điểm cây ATM, người may mắn rút được tiền, người không may thì gặp phải sự cố, máy báo ngừng hoạt động.
Tình trạng ATM bị "nghẽn" không thể rút được tiền dịp Tết không còn là câu chuyện mới. Trong khi các ngân hàng cứ hứa nhưng rồi đâu lại vào đấy, còn người dân, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp vẫn "khóc dở mếu dở" vì không rút được tiền.
Cảnh dòng người xếp hàng chờ rút tiền tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lê Hiếu
Những ngày cuối năm, các ngân hàng luôn "đổ" một lượng tiền lớn vào các máy rút tiền tự động ATM để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, tình trạng nhiều máy ATM bị "nghẽn", hỏng hóc, gặp sự cố do phải hoạt động hết công suất, hoặc hết tiền trong thời gian dài, đã khiến dư luận bức xúc.
Đặc biệt, tại một số khu công nghiệp, các doanh nghiệp thường trả lương, thưởng cho công nhân vào sát Tết nên có hiện tượng cùng lúc công nhân ồ ạt ra rút tiền. Chị Phạm Thị Hải, nhân viên Công ty ToHo Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, mấy ngày liền cứ đến giờ nghỉ là chị ra xếp hàng ở điểm ATM trước cổng khu công nghiệp mới rút được tiền. “Ngày nào cũng có hàng dài công nhân xếp hàng để rút tiền. Nhiều trường hợp đến lượt thì ATM hết tiền, báo sự cố ngừng hoạt động” - chị Hải phàn nàn.
Thực tế, tại các khu công nghiệp được đặt rất nhiều máy ATM của các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank... nhưng thường trong khoảng thời gian từ 6h đến 10h sáng, ngân hàng chưa kịp "đổ" tiền vào máy, nên công nhân không thể rút được, đành phải chờ đến buổi chiều nên lượng người tập trung cùng lúc lại càng đông. Công nhân phải xếp thành 3-4 hàng để chờ, phải mất ít nhất 30-45 phút mới đến lượt.
Không chỉ ATM tại các khu công nghiệp gặp sự cố mà ngay cả nhiều khu vực trong nội thành Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Tại khu vực quận Cầu Giấy dịp cuối tuần, nhiều điểm ATM người rút tiền phải xếp hàng chờ; có điểm ATM giao dịch thành công nhưng cũng rất nhiều máy thông báo lỗi, ngừng hoạt động.
Người rút tiền vừa mất công chờ, vừa bực mình và mệt mỏi. Anh Trần Mạnh Tuấn (phố Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) bức xúc: "Cứ dịp cuối năm, tình trạng ATM hết tiền, quá tải hoặc gặp lỗi thường xảy ra. Người rút tiền mất công sức, thời gian tìm máy ATM hoặc điểm giao dịch của ngân hàng, rất bất tiện. Tình trạng này năm nào cũng diễn ra mà các ngân hàng không có biện pháp giải quyết triệt để”.
Giải thích về thực trạng này, đại diện một số ngân hàng cho biết, những ngày cận kề Tết là dịp tiền lương, thưởng được các doanh nghiệp chuyển về tài khoản, nên nhu cầu kiểm tra tài khoản hay chuyển khoản online tăng đột biến, dịch vụ bị gián đoạn khiến không ít người sử dụng dịch vụ sốt ruột.
Không chỉ với dịch vụ rút tiền qua ATM, việc giao dịch tại một số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng cũng trong tình trạng quá tải. Để giải quyết sự cố máy ATM, các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, ACB, VietinBank... đã bố trí nhân viên trực đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 giờ. Tuy nhiên, lượng người giao dịch và rút tiền quá đông khiến hệ thống máy ATM luôn trong tình trạng quá tải là khó tránh khỏi, dù các ngân hàng đã trù liệu trước.
Mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Công văn số 406/NHNN-TT về việc tăng cường chất lượng dịch vụ ATM dịp Tết Nguyên đán 2017. Theo đó, NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, tăng cường theo dõi, có biện pháp bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017.
Tuy nhiên, trong thời điểm vài ngày trước kỳ nghỉ Tết đã xuất hiện hiện tượng ATM một số ngân hàng không bảo đảm theo yêu cầu, gián đoạn trong hoạt động, khiến người dân xếp hàng dài chờ rút tiền, nhất là ở địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì vậy, NHNN yêu cầu, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN, bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn hoạt động ATM, phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.
Việt Thắng (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.