Kỳ II: "Chảy máu" đầu tư công
Bán, mua... vốn ngân sách
Không phải đến tận bây giờ hiện tượng “chạy dự án” mới được nêu ra mà từ nhiều năm nay, cùng với “chạy trường, chạy lớp”, “chạy chức, chạy quyền”... “chạy dự án” đã trở thành một vấn nạn trong xã hội ta. Với từ khóa “chạy dự án” trên thanh tìm kiếm của google.com.vn, chỉ sau 0,24 giây, chúng tôi lập tức thu 19,2 triệu kết quả liên quan, điều này đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này ở nước ta như thế nào. 1001 câu hỏi xung quanh vấn nạn này đã được đặt ra nhưng rồi thì sao, mèo vẫn cứ hoàn mèo! Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường (đoàn An Giang) đã ám chỉ hiện tượng “chạy dự án” như sau: “Vì sao 5 dự án kia được vào, còn dự án mà nơi chúng tôi ứng cử bức xúc đến như vậy lại không được bổ sung? Có phải chúng tôi không chịu phát biểu ý kiến hay không chịu liên hệ, quan hệ với các cơ quan ở Chính phủ không?”.
Câu hỏi khiến nhiều người thấy “sốc” và bất ngờ bởi thực tế, xung quanh vấn đề đầu tư công, chúng ta đã có hẳn một bộ luật về đầu tư công và kèm theo đó là rất nhiều nghị định, thông tư hay các văn bản dưới luật được ban hành. Tuy nhiên, trái hẳn với suy nghĩ đó của nhiều người, giới kinh doanh lại cho rằng, đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, cái gì mà chẳng phải có giá của nó mà đặc biệt khi những nguồn vốn đấy là tiền ngân sách, là tiền chùa và người ta thích cho ai thì cho. Thậm chí, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn Hà Nội còn thẳng thắn chỉ ra rằng, thời buổi này không biết “chạy” thì chỉ có... chết! Nguồn ngân sách dự phòng của các bộ, ngành Trung ương thì có hạn mà tỉnh nào cũng muốn xin thêm, cũng muốn có, cũng muốn bổ sung vào ngân sách địa phương để thực hiện một dự án cấp bách nào đó thì lấy đâu ra.
“Miếng bánh thì nhỏ nên ai quan hệ tốt, nhanh chân mới giành được”, vị giám đốc này chia sẻ.
Dự án bến phà Đại Ngãi (Sóc Trăng) trị giá 40 tỉ bị bỏ hoang
Còn theo ông N.C.T - Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội thì, “chạy dự án” là thứ quy định bất thành văn của giới đầu tư, kinh doanh. Từ công trình nhỏ đến công trình lớn, doanh nghiệp nào đã tham gia thì coi như đã nhảy vào một “cuộc đua” maratông mà ở đó, kẻ nào có quan hệ tốt, biết cách “cư xử” với chủ đầu tư, với cơ quan thẩm định thì sẽ giành được phần thắng.
Ông N.C.T cho biết, “chạy dự án” hiện đang tồn tại ở 2 cấp độ là “chạy vốn” và “chạy trúng thầu” các dự án đầu tư. Trong đó, “chạy vốn” thường diễn ra tại các cơ quan Trung ương vì đây phần lớn là dòng vốn dự phòng ở các bộ, ngành hoặc ở các quỹ đầu tư chuyên ngành. Và đây cũng chính là khâu dẫn tới tình trạng cùng một nhóm dự án, thậm chí là cùng một loại dự án có mức độ cấp bách như nhau nhưng tỉnh A thì được mà tỉnh B lại không như nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới. Nguồn vốn dự phòng thường có hạn và gần như không được bổ sung trong năm nên địa phương nào nhanh chân, “quan hệ” tốt thì sẽ giành được, còn địa phương chậm chân, không chịu “quan hệ” thì nhịn.
Và để lấy được dòng vốn này, ông N.C.T chia sẻ: Theo đúng quy trình thì tỉnh phải đứng ra làm các thủ tục, hồ sơ xin cấp vốn nhưng trên thực tế, những loại dự án thực hiện bằng nguồn vốn bổ sung từ ngân sách Nhà nước gần như 100% là do các doanh nghiệp tự “vận động” qua các mối quan hệ của mình để “chạy”. Cụ thể: Để thực hiện một dự án A không nằm trong kế hoạch ngân sách mà tỉnh đã được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ đến làm việc với tỉnh để thống nhất về “chủ trương”. Ở khâu này thì 100% các tỉnh sẽ đồng ý ngay bởi tự nhiên địa phương mình lại có một công trình, một dự án mà chẳng mất gì lại còn được cái tiếng và một khoản “lại quả”. Sau khi được tỉnh phê duyệt chủ trương, doanh nghiệp sẽ dẫn người của địa phương đó về Trung ương để làm việc. Tại khâu này, bằng những mối quan hệ riêng, doanh nghiệp sẽ có những tác động nhất định để “hồ sơ xin bổ sung vốn” của tỉnh đó cho dự án A được phê duyệt.
Như vậy, dự án A có được phê duyệt, được bổ sung vốn ngân sách Trung ương hay không hoàn toàn chưa chắc đã phải do tính chất, mức độ bức thiết của dự án quyết định mà nó được thực hiện thông qua mối quan hệ của một cá nhân hay một doanh nghiệp nào đó.
“Vốn ngân sách nhiều hay ít, có được bổ sung hay không bổ sung phụ thuộc không nhỏ vào mức độ quan hệ với cơ quan chuyên trách. Ngoài quan hệ ra thì phần trăm hoa hồng trong các quyết định bổ sung vốn cho địa phương cũng là điều không thể thiếu. Thường thì mức “lại quả” này là 3% nhưng trong bối cảnh đầu tư công đang bị thắt chặt, nguồn vốn dự phòng ở các bộ, ngành eo hẹp như hiện nay thì mức trích “lại quả” đó có thể lên tới 5, thậm chí là 7%”, ông N.C.T nói.
Ngoài ra, ông N.C.T cũng cho biết thêm, kiểu dự án này thường rất được các doanh nghiệp có “máu mặt” thực hiện, bởi chi phi “lại quả” sẽ thấp hơn so với các dự án đã được phê duyệt theo kế hoạch ngân sách, vì ngoài khoản hoa hồng, “lại quả” cho các bộ, ngành thì doanh nghiệp cũng chỉ phải chi 1-2% tổng mức đầu tư của dự án cho tỉnh mà thôi. Trong khi đó, với các loại dự án thông thường, mức trích này có thể lên tới 15, 17 thậm chí là 20% tùy thuộc vào loại dự án, công trình.
Trung ương thì là “chạy vốn”, còn ở tỉnh thì là “chạy dự án”, “chạy công trình”, “chạy thầu”... và nếu nhìn về cái tên gọi thì nghe có vẻ khác nhau nhưng kỳ thực, bản chất của nó lại chỉ là một, doanh nghiệp “bơm tiền” cho những quan chức có quyền hành để đổi lại một lợi ích nào đó. “Chạy dự án” giờ như một thuật ngữ chuyên ngành mà mọi công ty, mọi chủ đầu tư khi muốn tham gia, muốn thực hiện bất kỳ dự án nào. Và theo cách nói của nhiều doanh nghiệp thì đây là “môn học” không trường lớp và cũng chẳng dựa theo nguyên tắc hay quy chuẩn nào cả. “Chạy dự án” cũng được phân tầng theo nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào từng loại dự án và cũng tùy thuộc vào cấp thẩm quyền.
Nói như vậy để thấy rằng, hiện tượng “chạy dự án” ở nước ta là có và điều này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập khi truy vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là: “Chạy dự án” lâu nay dư luận râm ran, tuy chưa bắt tận tay nhưng “không có lửa làm sao có khói”. Đặc biệt, các dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ định thầu ngày càng có xu hướng chạy nhiều hơn.
Lỗ hổng đầu tư công
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, sở dĩ đầu tư công ở nước ta hiệu quả còn thấp, dàn trải, lãng phí là do có hiện tượng “chạy dự án” giữa các bộ, ngành và địa phương. Và theo đánh giá thì đây là một “ẩn họa”, đe dọa sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế bởi “chạy dự án” không chỉ dẫn tới hiện tượng tham nhũng mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh tài chính quốc gia, bởi đầu tư công ngoài nguồn vốn ngân sách thì có cả tiền đi vay. Những vụ án tham ô, cố ý làm trái và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý Dự án di tích Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông - Tây, TP Hồ Chí Minh nhận hối lộ 260 nghìn USD để xét thầu, nghiệm thu có lợi cho người đưa hối lộ; vụ tham ô xảy ra tại dự án xây dựng cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh... là điển hình cho nhận định đó.
Nhìn lại vụ án Trần Anh Tuấn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nhận tiền tỉ của nhà thầu để “chạy dự án” xây dựng Trường đại học Hùng Vương (Phú Thọ) bằng vốn ngân sách với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng để thấy rằng: Mặc dù đây là trò lừa đảo song nó lại dựa trên nguyên lý vận hành từ nhiều năm nay của nhóm lợi ích: Chủ đầu tư mượn tiền ứng trước của nhà thầu để “chạy” phê duyệt dự án và quyết định cấp vốn; quan chức nhà nước ăn hối lộ du di hoàn tất các thủ tục nói trên, nhà thầu chi tiền được giao thầu hoặc trúng thầu với trò đấu thầu giả. Hậu quả thường là: Sự “linh động” phá vỡ thứ tự ưu tiên về vốn; quy định về đấu thầu bị vận dụng méo mó để nhà thầu ứng tiền nhất định phải trúng thầu; chủ đầu tư mang nợ nên có sự nhân nhượng về tiến độ, khối lượng, chất lượng công trình, tạo điều kiện cho nhà thầu thu hồi được số vốn ứng trước “chạy dự án”; một nhóm người “đục nước béo cò”...
Hiện tượng “chạy dự án” của các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản được chỉ ra là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tình trạng ế ẩm, đóng băng trên thị trường bất động sản và đặc biệt là tình trạng xuống cấp quá nhanh tại nhiều công trình xây dựng công cộng ở nước ta hiện nay.
Và để chấm dứt tình trạng trên, đại biểu Quốc hội bà Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Nên có báo cáo chi tiết về công trình để chúng tôi quyết định. Chứ nếu không thì có thể dẫn đến việc yêu tỉnh này, ghét tỉnh kia khi biểu quyết”. Bà An ví dụ: “Chẳng hạn bệnh viện ung bướu thì tất nhiên rất cần. Nhưng Bộ Y tế nên cho biết thêm là đã có bao nhiêu bệnh viện ung bướu, đáp ứng đủ chưa, phân bố đồng đều chưa... Nếu có dữ liệu này thì đại biểu sẽ đỡ phân vân hơn trong việc biểu quyết”.
Và đây cũng là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) khi ông cho rằng: “Nếu không trình Quốc hội một cách rõ ràng sẽ có tình trạng ai chạy giỏi thì được đệ trình trước”. Ông bày tỏ, bản thân ông rất ủng hộ đầu tư vào giao thông. Nhưng có ủng hộ đến mấy thì ông cùng các đại biểu và cử tri đều muốn biết vì sao giá thành công trình ở Việt Nam đắt nhất thế giới.
“Cái này phải được giải trình trước Quốc hội, trước nhân dân. Đầu tư giao thông là cần thiết nhưng cần thiết hơn là đầu tư nhưng tránh thất thoát” - ông Lịch nói.
Nói thêm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) khẳng định, bất cập lớn nhất trong quản lý đầu tư công là đã khoán trắng đầu tư cho địa phương quyết định mà hệ lụy của nó là tỉnh nào, thành phố nào cũng có khu công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường đại học… trong khi Việt Nam chưa có nổi cảng nước sâu nào đủ tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng, thực chất tất cả các dự án đầu tư đều được quyết định từ Trung ương chứ không phải địa phương.
“Đầu tư công là sản phẩm của cơ chế xin cho. Trong đó cả hai phía đều có lợi ích chung là lợi ích nhóm. Hệ quả là số dự án quá nhiều trong khi vốn ngân sách có hạn, đầu tư dàn trải, dẫn đến nhiều dự án thiếu vốn, gây lãng phí. Không những thế nó còn dẫn đến tình trạng chạy dự án, chạy vốn giữa các địa phương”, ông Vinh nhấn mạnh.
Dưới một góc nhìn khác, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Điều đáng lo ngại là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội có thể coi là không giới hạn và khả năng huy động vốn do chủ đầu tư đề xuất thường chưa được kiểm chứng trong khi các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội, trách nhiệm thu hồi vốn… chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý.
“Việc chấp nhận chủ trương đầu tư khá dễ dàng là sản phẩm của cơ chế xin - cho. Trong đó, cả 2 phía “xin” và “cho” đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm. Hậu quả của cơ chế xin - cho trong đầu tư công là dự án đầu tư công lãng phí, thời gian đầu tư kéo dài, không thể đo đếm được hiệu quả, trong khi đó thất thoát không dưới 20-30% tổng vốn đầu tư”, ông Doanh nhấn mạnh.
Đi vào chi tiết hơn, dù không ước lượng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là bao nhiêu nhưng TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng số liệu cụ thể: Bỏ ra 100 đồng để đầu tư, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa được 83 đồng vào sản xuất; khu vực kinh tế tư nhân đưa được 68 đồng vào sản xuất, còn khu vực Nhà nước (trong đó bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước) chỉ đưa được 63 đồng vào sản xuất.
Và mới đây, tại Hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ông Lê Văn Lân - Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhận định: Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu do tham ô và cố ý làm trái. Sai phạm xảy ra ở hầu hết các khâu, từ việc lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Thủ đoạn chủ yếu là không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu; khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào sử dụng; thi công sai quy trình để giảm chi phí...
Tiến trình đầu tư một dự án bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách thường phải qua rất nhiều khâu từ chủ trương đầu tư, lập dự án, đấu thầu, thi công, giám sát thi công… đến bàn giao, quyết toán và đưa dự án vào sử dụng rất lâu và kéo dài, gây khó cho chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, các đại biểu tham dự Hội thảo Kiểm toán hiệu quả đầu tư công do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và Kiểm toán Nhà nước tổ chức cho rằng, khâu nào trong quá trình đầu tư cũng có thể dẫn tới lãng phí, thậm chí là thất thoát.
Ông Trần Xuân Tá - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho rằng, khâu gây ra lãng phí lớn nhất trong đầu tư công chính là chủ trương đầu tư. Và để nâng hiệu quả đầu tư công, thay vì kiểm toán sau khi dự án, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, Kiểm toán Nhà nước nên kiểm toán ngay từ khâu ra chủ trương đầu tư và “theo” đến cùng khi dự án đi vào hoạt động.
“Ngoài ra cần phải nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả dự án để thí điểm xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng chủ trương đầu tư và người quyết định chấp thuận đầu tư”, ông Tá đề xuất.
Đó là một thực tế mà nền kinh tế đang phải đối diện, “chảy máu” đầu tư công cần phải được “chữa trị” tận gốc. Cơ chế xin - cho cần phải được dẹp bỏ bằng những quy định rõ ràng, những bộ tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại dự án, mức độ cấp bách hoặc quy định phân nhóm các loại dự án và vấn đề quan trọng nhất là quá trình lựa chọn dự án dùng vốn ngân sách, đấu thầu dự án cần phải được thực hiện công khai - minh bạch.
-
Cùng với “chạy chức, chạy quyền”, “chạy dự án” đang được dư luận xã hội nhắc tới như là một biểu hiện tiêu biểu của nạn tham nhũng ở nước ta. Làm sao để chấm dứt tình trạng “chạy dự án” giữa các bộ, ngành và địa phương để phát huy tối đa nguồn lực xã hội phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội là bài toán nan giải mà các đại biểu Quốc hội và đông đảo dư luận xã hội đặt ra.