Từ đám cháy dây cáp viễn thông tại các trụ trên vỉa hè gây cháy lan sang bảng hiệu một cửa hàng mắt kính tại ngã ba Thái Lan (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) ngày 8-11. Ảnh: CTV
Hiểm họa từ trên cao
Tình trạng dây cáp viễn thông dày như “mạng nhện” nói trên đã tồn tại từ lâu trên nhiều con đường lớn của TP.Biên Hòa như: 30-4 (P.Thanh Bình), Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai, P.Tân Tiến), thậm chí là trên quốc lộ 1 (P.Tân Biên, P.Tân Hòa)... Do số lượng dây cáp ngày càng tăng nên hệ thống dây cáp viễn thông trở thành các bó dây nặng trĩu võng xuống giữa các cột, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của cột, khiến các cột cũ dễ gãy, đổ khi có va chạm.
Không chỉ vậy, vài trụ viễn thông có dây cáp thòng xuống sát vỉa hè hoặc sà xuống ngang tầm mắt người đi đường gây nguy hiểm với người và phương tiện tham gia giao thông, gây các sự cố mất điện, mất kết nối internet. Cụ thể vào sáng 25-11, tại ấp Bến Cam, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) có 1 xe container kéo đứt dây cáp viễn thông ngang đường, khiến nhiều nhà dân bị mất kết nối internet... Hay như vụ tai nạn nghiêm trọng do xe container kéo đứt dây cáp căng ngang đường làm trụ viễn thông bị đổ đè 1 người đi xe máy tử vong xảy ra tại KP.3, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) vào chiều 29-7-2019.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã xảy ra một số đám cháy dây cáp viễn thông, tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã làm gián đoạn giao thông, mất điện, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Gần nhất vào chiều 8-11, từ đám cháy dây cáp viễn thông trên 1 trụ điện ngay giao lộ Phùng Hưng - quốc lộ 51 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã cháy lan vào biển hiệu một cửa hàng mắt kính ở gần đó khiến các hộ dân xung quanh hốt hoảng. Trước đó, ngày 30-3-2019, đám cháy dây cáp viễn thông trên 1 cột điện ngay trạm gác đường sắt tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - Bùi Hữu Nghĩa (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cũng khiến giao thông đường sắt bị gián đoạn.
Đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa dây cáp viễn thông
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, việc ngầm hóa dây cáp viễn thông là do tự các đơn vị cung cấp dịch vụ này phối hợp thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Vào cuối năm 2018, nhân dịp chào mừng Biên Hòa 320 năm, UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông ngầm hóa hệ thống cáp tại một số tuyến đường trung tâm để đồng bộ tiến độ chỉnh trang đô thị tại các tuyến đường Võ Thị Sáu (P.Quyết Thắng, P.Thống Nhất), Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng)…
Tháng 8-2020, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đã thống nhất kế hoạch thực hiện ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường dây điện, hệ thống cáp quang...) của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa theo các giai đoạn từ nay đến năm 2025. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, hoàn thành ngầm hóa trên tuyến đường Võ Thị Sáu, 30-4; giai đoạn 2021-2025, hoàn thành ngầm hóa trên các tuyến đường khu vực nội thành như: Hưng Đạo Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Trị, Đồng Khởi (từ ngã tư Tân Phong tới ngã tư Amata), Huỳnh Văn Nghệ... |
Tuy nhiên trên thực tế, số lượng dây điện, cáp viễn thông được ngầm hóa vẫn chiếm số lượng ít, vì vậy, nhiều người dân rất mong TP.Biên Hòa sớm đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông để tạo không gian thoáng đãng, mỹ quan cho đô thị. Tuy nhiên trước mắt, các ngành chức năng cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở những khu vực có hệ thống cột cáp viễn thông như “mạng nhện”.
Ông Phan Thanh Sang (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Lượng khách hàng từ các nhà mạng viễn thông, cáp truyền hình vẫn tiếp tục tăng, kéo theo lượng dây cáp cũng tăng lên. Nhưng trên các tuyến đường hầu như ít thấy bảng cảnh báo chiều cao dây cáp cho các phương tiện nhận biết. Tôi đề nghị nên quy định chiều cao tối thiểu hệ thống cáp viễn thông trong đường đô thị, đường ngoại ô phù hợp với các phương tiện được phép lưu thông trên tuyến đường đó”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiền (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra, xử phạt các hộ dân câu mắc trái phép, lấn chiếm lên hệ thống dây cáp viễn thông. Nhưng căn cơ nhất vẫn là ngầm hóa hệ thống này, bắt đầu từ những con đường mới mở, sau đó tới các tuyến đường khu dân cư vì càng để lâu, lượng dây cáp viễn thông sẽ dồn lại càng nhiều càng nguy hiểm”.
-
"Chết thèm" vì dây điện chạy trên đầu mà… không có điện!
Đường dây điện đã được đầu tư xây dựng chạy trên đầu dân nhưng cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm cách đấu nối, người dân vẫn phải sống trong cảnh "chết thèm" điện