07/07/2019 2:44 PM
Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa (Đồng Nai) thừa nhận trên địa bàn vẫn còn nhiều điểm ngập nặng nhiều năm nay chưa xử lý được, hoặc đã xử lý nhưng không hiệu quả.

Ảnh minh họa

Mặc dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng thực hiện các dự án chống ngập, tuy nhiên đến nay người dân TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn phải chịu cảnh bì bõm mỗi khi mưa lớn.

Ngập từ đường vào trường học

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, một số "điểm đen" ngập lụt ở TP.Biên Hòa đã được xử lý như vòng xoay Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua chợ Tân Phong), Bệnh viện Tâm thần (đoạn từ ngã tư Tân Phong đến suối Săn Máu), ngã tư Phạm Văn Thuận giao với Võ Thị Sáu... Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm ngập trong nội đô TP.Biên Hòa. Còn ở ngoại ô, nhiều điểm ngập lớn vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, đi lại của người dân.

Điểm ngập sâu, ngập nặng và dai dẳng nhất ở ngoại ô chính là khu vực cổng 11 (thuộc P.Long Bình và P.Long Bình Tân). Mỗi khi mưa lớn, nơi đây mênh mông nước, kéo dài từ đường Bùi Văn Hòa ra vòng xoay cổng 11, rồi từ vòng xoay cổng 11 theo đường Võ Nguyên Giáp chạy ra hướng QL51.

Cộng thêm lưu lượng xe lưu thông qua đây rất lớn, nên mỗi khi ngập là giao thông gần như tê liệt. Một cảnh sát trật tự phụ trách tuyến đường Bùi Văn Hòa cho hay, hôm nào trời mưa các chiến sĩ công an phải mất ít nhất 3 giờ đồng hồ điều tiết để giao thông thông thoáng trở lại.

Cách đó không xa, trên QL51, đoạn qua Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, P.Long Bình Tân mỗi khi mưa to là ngoài đường biến thành sông. Còn bên trong, thầy trò Trường Nguyễn Hữu Cảnh phải chạy lên lầu tránh “lũ”.

Ở hướng đông của TP.Biên Hòa, đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua công viên 30.4) cũng bị "vây" bởi nước, dù trước đó đã được Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa xử lý, mở rộng miệng cống thoát nước bằng cách lắp vỉ sắt.

Tương tự là điểm ngập trên đường Đồng Khởi (đoạn trước Công an P.Tân Hiệp), dù đã lắp vỉ sắt nhưng nước vẫn thoát không kịp, gây ngập nặng.

Nhiều người đã bị nước cuốn ngã, trôi tài sản xuống miệng cống. Ngoài ra, còn một số điểm ngập mới phát sinh như đường Phạm Văn Thuận đoạn trước chợ Tân Mai, ngã ba Đồng Khởi, đường Bùi Hữu Nghĩa...

Nhiều dự án trăm tỉ... nằm chờ

Trả lời Thanh Niên, ông Võ Thành Lê Phương, Tổ trưởng Tổ giao thông (Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa), thừa nhận trên địa bàn vẫn còn nhiều điểm ngập nặng nhiều năm nay chưa xử lý được, hoặc đã xử lý nhưng không hiệu quả.

Về điểm ngập ở cổng 11, ông Phương cho biết tại đây có 3 dự án của 3 đơn vị đang triển khai. “Nhiệm vụ của chúng tôi là nạo vét, làm cống gom một số đoạn trên đường Bùi Văn Hòa và phối hợp ngành điện, nước, bó gọn đường dây cáp, điện để không cản trở việc thoát nước. Còn hai đơn vị khác thực hiện hai dự án lớn hơn”, ông Phương cho hay.

Hai dự án lớn mà ông Phương đề cập chính là dự án nạo vét, xây lắp 3 suối Bà Lúa, Cầu Quang, suối Chùa với kinh phí 157 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Ông Đỗ Bảo Nam, Phó trưởng phòng Cấp thoát nước (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai), cho biết dự án trên hoàn thành sẽ góp phần làm giảm ngập lụt ở khu vực cổng 11 và QL51.

Tuy nhiên, dự án vẫn đang nằm chờ vì không có mặt bằng thi công. “Nếu có mặt bằng thì chúng tôi làm khoảng 6 tháng là xong. Tuy nhiên hiện tại TP.Biên Hòa mới giải phóng mặt bằng được khoảng 40%, nên đang phải chờ”, ông Nam lý giải.

Dự án còn lại do Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa triển khai. Giải thích với PV Thanh Niên, Trưởng ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa Nguyễn Hoàng Minh cho biết có nhiều nguyên nhân gây ngập ở cổng 11, đó là chưa có hệ thống gom nước bề mặt trên đường Bùi Văn Hòa, các con suối không được nạo vét thường xuyên, các hộ dân lấn chiếm dòng chảy...

Về hướng xử lý, ông Minh cho hay sẽ tiến hành làm mương bê tông và đặt cống hộp trên đường Bùi Văn Hòa và Võ Nguyên Giáp đoạn đang bị ngập, bề mặt lắp vỉ sắt để gom nước nhanh. Vốn đầu tư của dự án này khoảng 80 tỉ đồng, dự kiến đầu năm 2020 khởi công.

“Còn điểm ngập trên QL51, dự án đã có, vốn đầu tư hơn 62 tỉ đồng, thời gian thi công khoảng 300 ngày, hiện đang mời thầu và cũng do Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa chủ trì”, ông Minh thông tin.

Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng hệ thống mương thoát nước bằng bê tông cốt thép kết hợp với cống hộp có tổng chiều dài hơn 2,7 km, gồm các đoạn trước Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, dọc QL51 và dọc đường Châu Văn Lồng để dẫn nước ra sông Đồng Nai.

Cũng theo ông Minh, Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa còn chịu trách nhiệm triển khai dự án cải tạo, nạo vét 3 suối gồm: suối Linh, Tân Mai, Bà Bột với tổng kinh phí 96 tỉ đồng.

Mục tiêu dự án là cải tạo cảnh quan đô thị, đồng thời góp phần tiêu thoát nước trong nội ô. "Cũng như dự án 3 suối Bà Lúa, Cầu Quang và suối Chùa, hiện dự án này đang nằm chờ mặt bằng, chưa biết khi nào thực hiện xong", ông Minh tâm tư.

Đã hoàn thành 4 dự án chống ngập với tổng vốn 593 tỉ đồng

Theo Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa, đến nay một số dự án quan trọng chống ngập cho TP.Biên Hòa đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm: dự án cải tạo suối Săn Máu (409 tỉ đồng); vòng xoay Biên Hùng (110 tỉ đồng); đường Nguyễn Ái Quốc từ ngã tư Tân Phong đến suối Săn Máu (30 tỉ đồng); các công trình trước chợ Tân Phong, Bệnh viện Tâm thần, ngã tư Võ Thị Sáu và Phạm Văn Thuận, đường Huỳnh Văn Nghệ (44 tỉ đồng).

Lê Lâm (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.