30/09/2015 7:41 AM
Đại diện cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cho biết, những nội dung liên quan đến dự án số 8B Lê Trực sẽ được thông tin chính thức tới báo chí sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, điều mà dư luận cần làm rõ là căn cứ nào để cấp phép 18 tầng cho dự án cao ốc này gần Quảng trường Ba Đình?

Hôm nay (30/9) sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng về dự án số 8B Lê Trực. Ảnh: Như Ý

Nhồi nhét cao ốc

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy chiều 29/9, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sáng cùng ngày UBND thành phố Hà Nội cùng Bộ Xây dựng đã họp và thống nhất là ngày hôm nay (30/9) sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng về dự án số 8B Lê Trực. “Sau khi gửi báo cáo Thủ tướng, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Phong nói.

Liên quan đến dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê số 8B Lê Trực (thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình), qua tìm hiểu của nhóm phóng viên đã hé lộ về quá trình mà các cơ quan chức năng cấp phép cho dự án. Cụ thể, tại văn bản do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký ngày 12/7/2013, gửi Thủ tướng Chính phủ thì năm 2008 thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành Hà Nội, Công ty Cổ phần may Lê Trực đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực.

Sau đó, UBND thành phố đã chấp thuận về chủ trương, giao Công ty Cổ phần may Lê Trực làm chủ đầu tư nghiên cứu lập và thực hiện dự án. Dự án được cơ quan chức năng thành phố chấp thuận phương án kiến trúc công trình với chỉ tiêu như công trình cao 17 tầng; mật độ xây dựng 64%...

Theo cơ quan chức năng thành phố, căn cứ quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty cổ phần may Lê Trực tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng nhà ở. Ngày 21/8/2013, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ trong đó thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc cho phép Công ty CP may Lê Trực tiếp tục thực hiện dự án. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án như đề nghị của Công ty Cổ phần may Lê Trực tại văn bản 395/CVDA.

Tiếp đến ngày 20/9/2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng về việc giải quyết thủ tục xây dựng của dự án 8B Lê Trực. Trong đó, xét đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, ý kiến của Bộ Xây dựng, về việc chấp thuận quy hoạch kiến trúc dự án Trung tâm thương mại văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực: “UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, chỉ đạo việc làm các thủ tục cấp phép xây dựng đối với dự án theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật, đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp không để kéo dài phát sinh khiếu kiện phức tạp”, văn bản này nêu rõ.

Đến ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng số 11 cho dự án số 8B Lê Trực với nội dung gồm 3 công trình. Trong đó công trình thứ nhất là Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê với diện tích 1.783m2 cao 18 tầng nổi (bao gồm tầng kỹ thuật và tum thang) và 4 tầng hầm.

“Phù phép” quy hoạch

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong vào chiều qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có cuộc họp bàn để xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nội dung thông tin chưa được công bố. Một diễn biến khác, thông tin từ một chuyên gia về quy hoạch tiết lộ, cao ốc số 8B phố Lê Trực nằm trong lô đất có ký hiệu L30. Theo quy hoạch chi tiết trục Cầu Giấy- Kim Mã- Hùng Vương được phê duyệt năm 1998 thì khu đất có chức năng là nhà ở, mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 2 lần và độ cao được duyệt tại bản quy hoạch này là 5 tầng.

Như đã thông tin khu đất thuộc Cty Cổ phần may Lê Trực, sau khi được thành phố chấp thuận cho thực hiện dự án tại đây thì bản quy hoạch chi tiết ban đầu của khu đất cũng được thay đổi “chóng mặt”. Cụ thể là đến năm 2008 cũng khu đất mà trước đó được phê duyệt độ cao 5 tầng, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh lên 17 tầng. Mật độ xây dựng tăng từ 40% lên 64%. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao cũng lô đất ấy, khi trước quy định được xây nhà 5 tầng sau một “chặng đường thỏa thuận” thành phố đã chấp thuận cho lên 17 tầng?

Hơn nữa, để đi đến các quyết định về độ cao công trình, hơn ai hết chính Bộ Xây dựng - cơ quan chuyên ngành về thẩm duyệt quy hoạch đã bật đèn xanh! Vậy căn cứ nào để Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đồng ý điều chỉnh quy hoạch và “gật” theo đề xuất của chủ đầu tư. Đây có lẽ là điểm mấu chốt nhất của vụ việc và rất cần hai cơ quan chức năng là thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng báo cáo nghiêm túc trước Thủ tướng Chính phủ!

Nhóm PVTS (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.