02/09/2014 7:25 PM
Nhiều hạng mục xuống cấp tại khu tái định cư Đồng Tàu đến nay đã được hoàn thành sửa chữa, tuy nhiên, hàng loạt sai phạm được Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra sau khi thanh tra công tác quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án và công tác quản lý vận hành, khai thác, sử dụng sau khi dự án được bàn giao đưa vào sử dụng khiến người dân sống ở đây rất lo lắng về chất lượng công trình.

Không chỉ có thế, sự mập mờ về các khoản phí, phí bảo trì của đơn vị quản lý khiến cư dân càng thêm bức xúc.

Nhiều sai phạm

Khu Tái định cư Đồng Tàu được thiết kế gồm 10 tòa nhà (đã đưa vào sử dụng 9/10 tòa nhà), được đưa vào sử dụng từ năm 2006 phục vụ di dân dự án mở rộng nút giao thông Ngã Tư Sở, cải tạo ven sông Tô Lịch. Vừa vào ở dự án đã xuống cấp nghiêm trọng, sau nhiều năm người dân gửi đơn kiến nghị đi khắp nơi, đến đầu tháng 3/2014, khu tái định cư đã được sửa chữa nhiều hạng mục. Tuy vậy, theo kết quả thanh tra, việc lún nền ở đây đã được dự báo trước từ khâu thiết kế do nhà thầu là Công ty TNHH Nippon Koei đưa ra.

Với giải pháp thiết kế san nền là đắp cát trực tiếp lên đáy ao thì thời gian để đạt 90% lún có kết là khá lớn (8 năm). Tính đến thời điểm các tòa nhà được bàn giao và đưa vào sử dụng (từ năm 2006 đến 2012) thì chưa hết lún có kết của nền. Tuy nhiên, khi thực hiện thanh tra, các chủ đầu tư không có hồ sơ quan trắc lún của nền, tư vấn thiết kế các tòa nhà khi thiết kế nền nhà (tầng 1) chỉ căn cứ kết quả khảo sát giai đoạn thiết kế nhà (không tham khảo kết quả khảo sát giai đoạn thiết kế hạ tầng kỹ thuật) nên thiết kế nền tầng 1 đặt trực tiếp lên nền đất đắp là không phù hợp với thực tế khảo sát địa chất và thực tế san nền. Trong báo cáo này của Thanh tra Sở Xây dựng còn hàng loạt những sai phạm khác.

Người dân khu tái định cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đang rất bức xúc về những mập mờ tại dự án này.

Theo Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội thì các nhà thầu thi công đã vi phạm quy định tại khoản 1 điều 24 Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Các nhà thầu tư vấn giám sát như: Công ty CP Tư vấn thiết kế và Dịch vụ đầu tư (INFISCO) giám sát thi công các gói thầu 1, 2, 4, 7; Công ty Tư vấn xây dựng dân dụng Việt Nam (Bộ Xây dựng) giám sát thi công gói thầu số 3; Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội giám sát thi công gói thầu số 8; Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng Hà Nội giám sát thi công gói thầu số 5 đã vi phạm quy định tai khoản 1 điều 21 Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Nhiều mập mờ cần được làm sáng tỏ

Theo phản ánh của người dân tại khu tái định cư Đồng Tàu, nguyên nhân quan trọng nhất của việc đến thời điểm hiện tại, sau gần chục năm các khu nhà ở đây vẫn chưa bầu được ban quản trị là do sự mập mờ về khoản phí bảo trì 2% do Công ty TNHH-MTV Phát triển nhà Hà Nội quản lý. Theo bảng kê do ông Đào Văn Lập, Trưởng phòng Quản lý vận hành của xí nghiệp dịch vụ và khai thác đô thị xuống Tổ dân phố 33B trao đổi thì số tiền bảo trì 2% của các tòa nhà đã sử dụng cụ thể: nhà N1 hiện chỉ còn hơn 20 triệu đồng; nhà N2 cũng chỉ còn hơn 20 triệu đồng; tòa nhà N3, N7 hiện không còn đồng nào, thậm chí tòa nhà N5 còn bị âm hơn 6 triệu đồng. Số tiền bảo trì này mỗi tòa nhà có khoảng 400 đến 500 triệu đồng, thế nhưng theo phản ánh của người dân, không biết đơn vị quản lý chi vào việc gì mà đến nay chỉ còn lại rất ít.

Ông Trần Văn Sáu, nhà N5, Tổ trưởng Tổ dân phố 30B cho biết, vấn đề đáng bàn nhất là ở chỗ tòa nhà N5 theo bảng khai bị âm hơn 6 triệu đồng, thế nhưng đứng trước sự phản ứng quyết liệt của cư dân thì đơn vị quản lý lại hoàn trả hơn 310 triệu đồng. Theo ông Sáu thì đơn vị quản lý giải thích rằng do tính nhầm. “Nguồn kinh phí sửa chữa năm 2013 đã được ngân sách thành phố cấp. Chẳng hiểu công ty sửa gì mà đến nay phí bảo trì của chúng tôi lại còn quá ít như thế. Chúng tôi rất mong UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ vấn đề này. 10 tòa nhà thì tổng số tiền bảo trì đó là không hề nhỏ”, ông Sáu bức xúc.

Theo phản ánh của người dân thì từ ngày 1/4, xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đô thị không cho bảo trì hệ thống thang máy, dẫn đến việc hàng loạt thang máy các tòa nhà bị hư hỏng. Hiện tòa nhà N3, N5, N7, mỗi tòa nhà hỏng 1 thang máy. Người dân phản ánh rất nhiều nhưng cũng chẳng có ai xuống sửa chữa. Một số thang máy đơn vị quản lý cho người xuống khảo sát rồi kê ra một danh sách chi phí sửa chữa, bảo dưỡng có cái lên đến 140 triệu đồng, cái thấp cũng 18 triệu đồng. Quá bức xúc, người dân tự gọi thợ đến sửa chữa, chi phí chỉ hết có… hơn 1 triệu đồng.

Một khoản kinh phí cũng đang khiến người dân bức xúc nữa đó là số tiền gửi xe ôtô của 8 tòa nhà từ năm 2007 đến nay cũng chẳng biết ở đâu? Ông Nguyễn Quang Khải, P304, nhà N2, Tổ phó Tổ dân phố 30B cho biết, xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đô thị còn tự ý ngăn chia, đập phá, hạ cốt nền (cắt thanh giằng tầng 1) làm gác xép cho dân vào bán hàng thuê trái phép.

“Người dân chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều tra việc bán đứt các ki ốt cho dân sử dụng với số tiền từ 500 đến 900 triệu đồng/ki ốt. Theo quy định của UBND TP Hà Nội thì các diện tích phụ trợ, dịch vụ phải được đưa ra đấu giá, ưu tiên cho những gia đình tái định cư ở đây. Thế nhưng, ở đây chúng tôi chẳng được ưu tiên cái gì cả. Thậm chí, đến những phần diện tích sinh hoạt cộng đồng cũng chẳng có, đều bị chiếm dụng sử dụng vào mục đích khác. TP Hà Nội cần phải chỉ đạo sử lý quyết liệt để người dân có thể tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Khải bức xúc

Chủ đề: Tái định cư
Phan Hoạt (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.