20/02/2016 7:10 PM
Sau gần 8 tháng Luật Nhà ở sửa đổi được áp dụng (từ ngày 1/7/2015) với quy định cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, theo thông tin từ các công ty bất động sản, vẫn chưa có người nước ngoài nào mua được nhà vì vướng đủ đường.
Các rào cản về thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài và Việt kiều
Mơ ước chỉ là… ước mơ
Anh Matthew Pike (29 tuổi) cùng vợ mang quốc tịch Canada, sống tại TP.HCM từ năm 2012, đang làm giáo viên dạy ngoại ngữ tại một trường quốc tế. Vợ chồng anh có ý định sống lâu dài tại Việt Nam, nên muốn mua một căn hộ để ổn định cuộc sống, thay vì phải ở nhà thuê như hiện nay. Khi Luật Nhà ở sửa đổi được ban hành, ước mơ này của họ như gần hơn. Tuy nhiên, dù đã chọn được căn hộ của một dự án tại quận Tân Bình, anh Matthew Pike vẫn chưa thể đặt cọc mua nhà bởi Luật chưa có hướng dẫn cụ thể, chủ đầu tư cũng chưa có hợp đồng giao dịch bằng tiếng Anh.
“Thủ tục mua bán nhà tại Việt Nam quá rắc rối, không như bên Canada, như chỉ cho phép sở hữu 50 năm, Luật vẫn còn đợi văn bản hướng dẫn và cả vấn đề chứng minh chúng tôi sang Việt Nam thế nào… Vậy nên, ước mơ mua nhà tại Việt Nam của chúng tôi còn quá xa”, Matthew Pike cho biết.
Cùng cảnh ngộ với anh Matthew Pike, nhưng anh David Wolgemuth (quốc tịch Anh) có phần may mắn hơn vì có vợ là người Việt Nam, nên có thể để vợ đứng tên mua căn hộ tại quận Bình Thạnh. Lúc đầu, anh rất muốn đứng tên căn hộ, nhưng cán bộ địa phương nói chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nên chưa thể chấp thuận cho anh đứng tên mua nhà. “Tôi phải để vợ đứng tên, vì nếu thủ tục lằng nhằng quá, đợi làm xong đầy đủ thì căn hộ tôi định mua đã bị bán mất hoặc đội giá”, anh David Wolgemuth nói.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Himlam Land cho biết, tới thời điểm này, công ty ông chưa bán được căn hộ nào cho người nước ngoài, mà chỉ có những người nước ngoài có vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng ra mua. “Chủ đầu tư như chúng tôi cũng chưa biết sẽ làm thủ tục ra sao nếu bán nhà cho người nước ngoài vì Bộ Xây dựng chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về vấn đề này”, ông Phúc cho biết.
Vẫn chờ hướng dẫn
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), trong khi mối quan tâm từ phía người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam là rất lớn, thì lượng giao dịch với người nước ngoài ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn khiêm tốn. Trái ngược với những khách mua địa phương rất am hiểu thị trường, khách mua nước ngoài thường đặt rất nhiều câu hỏi về thủ tục hành chính, tiềm năng sinh lời và tỷ suất cho thuê. Họ thường nhìn về dài hạn và quan tâm đến những vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc bán lại tài sản của họ khi thời cơ đến.
Hiện tại, dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực, nhưng các công ty bất động sản vẫn đang chờ thêm hướng dẫn cụ thể trong việc thực thi, đặc biệt là việc xác minh nguồn gốc của người nước ngoài hay Việt kiều. Các rào cản về thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài và Việt kiều.
Theo quy định, muốn sở hữu nhà tại Việt Nam, Việt kiều phải có giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt là giấy khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Tuy nhiên, việc xác minh nguồn gốc đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài sống tại Việt Nam mất khá nhiều thời gian. Trong khi tại Mỹ, thời gian người mua nhà phải bỏ ra lo thủ tục, ký giấy tờ chỉ chừng 5 - 6 tiếng đồng hồ, thì tại Việt Nam, kiều bào và người nước ngoài phải mất thời gian chờ đợi tính hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Theo ông Châu, để tháo gỡ vướng mắc trong quy định về nguồn gốc người Việt Nam của Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, trong trường hợp Việt kiều không có giấy khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác, thì có thể linh hoạt sử dụng thông tin trên những giấy tờ có giá trị khác để xác định.
“Đặc biệt, để tháo gỡ nút thắt của nhiều người nước ngoài về thời hạn sở hữu, cần có quy định người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi nhận chuyển nhượng nhà ở của người nước ngoài cũng được phép sở hữu nhà ở tối đa là 50 năm, mà không tính thời hạn của chủ cũ đã sử dụng. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra quy định mới về việc khi người nước ngoài không còn ở Việt Nam mà bán nhà thì cũng có cơ chế cho họ chuyển tiền bán nhà ra nước ngoài”, ông Châu đưa ý kiến.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, việc hợp thức hóa, công nhận quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài sẽ làm tăng thêm khách hàng có nhiều tiềm năng mua nhà, cho thấy sự bình đẳng giữa người dân trong nước, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, Việt kiều trong nước và kể cả Việt kiều đang sống tại nước ngoài. Điều này sẽ đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, nhất là thị trường các thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, để hỗ trợ người nước ngoài mua được nhà, rất cần các cấp chính quyền đưa ra những thông tư, hướng dẫn cụ thể để tiết kiệm thời gian, minh bạch hóa thông tin và tạo lòng tin nơi họ. Đã có độ trễ về chính sách so với diễn biến thực tế của thị trường, vì vậy để thị trường bất động sản thực sự được hưởng lợi từ quy định thông thoáng này, Chính phủ cần quy định một cách rõ ràng về các vấn đề mà người nước ngoài đang quan tâm như: thời hạn sở hữu nhà là 50 năm, sau 50 năm thì như thế nào; quyền được chuyển nhượng, thế chấp sau khi mua nhà; làm sao chuyển tiền về Việt Nam mua bất động sản...
Gia Huy (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.